Giám sát thị trường tài chính, thiếu “nhạc trưởng”

Giám sát thị trường tài chính, thiếu “nhạc trưởng”

(ĐTCK) Hiện trạng thiếu “nhạc trưởng” trong giám sát thị trường tài chính, theo các chuyên gia, đang tạo ra “lỗ hổng” đáng ngại, nên cần có giải pháp khắc phục để tránh các rủi ro.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi…”

Tại Hội thảo quốc tế: “Ổn định tài chính: Nhận dạng rủi ro hệ thống và tăng cường chính sách cẩn trọng vĩ mô”, do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa tổ chức, một lần nữa các chuyên gia trong nước và quốc tế lên tiếng cảnh báo về những hạn chế của mô hình giám sát thị trường tài chính mang tính cắt khúc hiện tại.

Cụ thể, chức năng giám sát thị trường tài chính được phân nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau, nhưng cơ chế phối hợp lại thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước giám sát các hoạt động ngân hàng - tiền tệ; Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) giám sát thị trường bảo hiểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giám sát TTCK...

Mô hình giám sát trên, theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi cùng một lúc, các cơ quan trên kiêm nhiệm nhiều chức năng như: cấp phép; ban hành, hướng dẫn, triển khai cơ chế - chính sách; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính. Điều này dễ gây ra xung đột lợi ích cũng như những rủi ro đạo đức trong hoạt động giám sát. Khó giám sát hữu hiệu các rủi ro chéo do thiếu sự phối kết hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành trong giám sát thị trường tài chính, do các cơ quan này hoạt động độc lập, riêng biệt từng mảng nghiệp vụ khác nhau.

Cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát, theo đánh giá của UBGSTCQG, cũng chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Các thông tin cung cấp giữa các tổ chức tài chính với với các cơ quan giám sát có mức độ tin cậy chưa cao. Việc cung cấp thông tin về giám sát thị trường tài chính cho thị trường chưa chủ động và thiếu nhất quán. Thông tin cung cấp mới chỉ một chiều, chưa có sự phản biện từ phía NĐT, các tổ chức tài chính. Các kênh thông tin chủ yếu phản ánh theo các khu vực riêng lẻ, chưa có những thông tin mang tính tổng hợp toàn thị trường.

“Hiện Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính quốc gia”, ông Chung quan ngại và phân tích thêm, UBGSTCQG chỉ là cơ quan tham mưu, tư vấn, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ, nên không thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với các định chế tài chính.

Việc giám sát các định chế tài chính ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cơ quan giám sát phải có tầm nhìn toàn cầu và sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển.

Sự phối hợp này phải xuyên suốt từ khâu lập chiến lược phát triển tổng thể thị trường tài chính, sự hợp tác thường xuyên trong việc quản lý, xử lý những vấn đề của thị trường (nhất là lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng), cho đến giám sát hiệu quả các đối tượng tham gia và các hoạt động đan xen trên thị trường. Đến nay, vẫn chưa có một quy định chung về cách thức giám sát cho cả hệ thống tài chính.

Đề xuất tăng quyền cho UBGSTCQG

Để giảm thiểu rủi ro của hệ thống giám sát hiện tại, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, có một điểm khá chung trong số các kiến nghị này là cần có một cơ quan đầu mối đủ quyền năng để giám sát thị trường tài chính mang tính bao quát toàn diện hơn.

“Cần củng cố, nâng cao vị thế pháp lý cho UBGSTCQG, không chỉ là cơ quan tư vấn, tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ, mà còn có nhiều quyền lực hơn trong giám sát vĩ mô, xử lý vi phạm đối với tất cả lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Phấn đấu sau năm 2020, từng bước áp dụng mô hình giám sát hợp nhất một phần và sau đó là toàn bộ đối với hệ thống tài chính”, ông Chung nói và cho rằng, cùng với tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, UBCK, Bộ Tài chính cũng cần xây dựng các quy chế về quy trình, tiêu chí giám sát chung giữa các cơ quan hữu quan và quy chế xác định khung hợp tác giữa các cơ quan giám sát riêng với nhau về chia sẻ, trao đổi thông tin, đưa ra cảnh báo, cùng nhau kiến nghị chính sách...

Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), trong hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ lành mạnh tài chính của các tổ chức tài chính tín dụng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất, từ kinh nghiệm áp dụng của các nước cho thấy, ngoài hệ thống chỉ tiêu đánh giá an toàn và lành mạnh tài chính áp dụng cho lĩnh vực ngân hàng, còn có bộ chỉ số áp dụng cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng như CTCK.

Bởi vậy, Việt Nam cần có một hệ thống chỉ số đồng bộ để đánh giá an toàn và lành mạnh tài chính của cả hệ thống tài chính: bao gồm cả các tổ chức tài chính phi ngân hàng và ngân hàng. Khi đó, vai trò của cơ quan giám sát tài chính quốc gia sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong giám sát một cách tổng thể, hệ thống. Từ đó, các tư vấn chính sách để đảm bảo an toàn và lành mạnh tài chính của cả hệ thống tài chính sẽ khách quan, toàn diện. 

Tin bài liên quan