Bà Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu tại Hội trường sáng 27/7.
Mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhưng kết quả chưa bền vững. Đó là lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận sáng 27/7 về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng phần thực hiện chưa tốt được nhắc đến nhiều.
Trong phần phát biểu với nhiều đề xuất gửi Chính phủ, ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhắc tới những ví dụ rất cụ thể như việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa sử dụng hết công năng, lo ngại đầu tư nhiều sẽ gây lãng phí trong công tác giảm nghèo bền vững.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả còn nhiều vấn đề cần phải xem lại, đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập.
“Chương trình phải có sự tính toán trên cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện thời gian qua một cách sâu sắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, ông Minh đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp còn lo ngại khi phần vốn của chương trình có xu hướng dành nhiều hơn cho đầu tư hạ tầng.
“Tư duy này là đúng, vì phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo thì hạ tầng phải đi trước một bước. Nhưng theo kết quả về giảm nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo thì vẫn chưa đạt như chúng ta mong muốn. Như vậy là rõ ràng hiệu quả công tác giảm nghèo, không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng”, bà Hoa nói.
Điều cốt lõi hơn, theo bà Hoa, đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm phải dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, trong đó, theo quan điểm của bà là đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho đào tạo nghề và sinh kế cho người dân.
“Trong những giai đoạn tới thì cần tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cần phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn”, bà Hoa đề xuất cụ thể.
Hiện tại, dịch bệnh đang đe dọa kết quả này, khi nhóm hộ cận nghèo và mới thoát nghèo là nhóm mà có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào. Cùng với mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong Chương trình giai đoạn tới, với tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng.
Trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, các đại biểu đã thấy rõ những khó khăn của việc thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới.
Bà Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhắc lại những tồn tại trong thực hiện Chương trình này trong giai đoạn trước, để thấy còn nhiều vấn đề Chính phủ cần hoàn thiện thêm sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo bà Hiền, trước năm 2016, chúng ta ban hành và thực hiện khá nhiều chương trình, dự án mang tính quốc gia, nhưng mỗi chương trình lại điều hành một kiểu, theo các cơ chế khác nhau, định mức tài chính khác nhau dù có nội dung tương đồng, dẫn đến việc rất khó có thể lồng ghép, phối hợp thực hiện trên cùng một địa bàn.
Điều này làm cho chính quyền địa phương thì lúng túng, người dân là đối tượng thụ hưởng thì thiệt thòi, giảm hiệu quả của các chương trình.
“Tôi tán thành và đánh giá cao ý kiến của Ủy ban Kinh tế (chủ trì thẩm tra đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cũng như Ủy ban Xã hội (chủ trì thẩm tra đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) về việc cần thống nhất chung một Ban chỉ đạo để điều phối, điều hành việc tổ chức thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới”, bà Hiền nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, bà Hiền đề xuất, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để thực hiện chương trình.
“Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phân bổ nguồn lực, định mức khung, cơ chế khung, thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn… còn lại phân cấp, phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho địa phương, chính quyền các cấp để xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể, giải pháp thực hiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tính chất nghèo, nguyên nhân nghèo cũng như lối sống, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng địa phương, từng vùng miền, từng hộ nghèo...Có làm như vậy, thì mới sát với thực tiễn và mới có hiệu quả. Vấn đề này không phải là mới mà Nghị quyết số 76 của Quốc hội từ năm 2014 đã yêu cầu, nhưng Chính phủ triển khai chưa thật mạnh mẽ”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hiền đề nghị phải ghi rõ mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để sau này đánh giá hiệu quả chương trình thực chất hơn. Chính vì vậy, việc bố trí nguồn lực cần tính toán cho khả thi và đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì cố găng bố trí đủ nguồn lực.
“Đã gần hết năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã kết thúc, do đó Chính phủ cần tính toán để có bố trí vốn sao cho việc thực hiện công tác giảm nghèo của năm 2021 phù hợp, tránh tình trạng khó khăn về kinh phí dẫn đến khó khăn cho công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước”, bà Hiền thẳng thắn.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long đề nghị Chính phủ và bộ chủ quản phải quyết liệt chỉ đạo, rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai thực hiện để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của chương trình. Từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án.
Giải trình trước Quốc hội sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết:
Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giảm nghèo hướng đến đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chỗ nào có người nghèo là có chính sách hỗ trợ của Chương trình, do vậy cơ bản sẽ không trùng lắp với 2 chương trình nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 về cơ bản được chạy song song và tương đối tách bạch.
Riêng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về nguyên tắc là tách một phần từ CTMTQG giảm nghèo nên hướng đến xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Xã hội và một số đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 chương trình mục tiêu quốc gia đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ, đầu tư; xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi theo hướng rà soát các nội dung trùng lặp, đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp nguồn lực, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Về các dự án thành phần của Chương trình, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ và các bộ ban hành các văn bản quy định và giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND và người đứng đầu địa phương triển khai đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện thụ hưởng; quy trình, thủ tục hỗ trợ; phương thức, nội dung và định mức hỗ trợ, các dự án giảm nghèo thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, mục tiêu và quy định của pháp luật.