Giảm mạnh dự án "tỷ đô"

Giảm mạnh dự án "tỷ đô"

(ĐTCK) Nếu như năm 2008, có đến 11 dự án FDI có quy mô đăng ký từ 1 tỷ USD trở lên thì năm 2011 chỉ còn 2 dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, năm 2012, cần sớm có điều chỉnh cơ chế, chính sách để thu hút dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp “xanh”, công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Tính đến ngày 15/12, Việt Nam có 13.667 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Riêng năm 2011, vốn FDI đạt 14,7 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, chỉ bằng 65% so với năm 2010.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, dù lượng vốn thấp song có chuyển biến tích cực thể hiện qua tỷ lệ 76,5% lượng vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ lệ 54,1% trong năm 2010.

Đây là lĩnh vực được coi là phát triển bền vững, đóng góp ổn định và lâu dài cho nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vốn được coi có nguy cơ bong bóng cao đã giảm từ 34,3% vốn đăng ký năm 2010 xuống còn 5,8%.

Đáng chú ý, các dự án tỷ “đô” có xu hướng giảm mạnh. Nếu như năm 2008, có đến 11 dự án có quy mô đăng ký từ 1 tỷ USD trở lên với tổng vốn đăng ký của các dự án này là 45,7 tỷ USD thì năm 2011 chỉ còn 2 dự án.

Giảm mạnh dự án "tỷ đô" ảnh 1

Năm 2011, Việt Nam thu hút 14,7 tỷ USD vốn FDI - Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, các dự án này đều năm trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm dự án BOT điện lực Jak Hải Dương có vốn đăng ký 2,26 tỷ USD, dự án sản xuất pin mặt trời First Solar có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Vốn thực hiện năm 2011 của khu vực FDI đạt 11 tỷ đồng, đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu của khu vực FDI ước đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong khi nhập khẩu là 47,8 tỷ USD, góp phần làm giảm gánh nặng cho cán cân thương mại.

Để thúc đẩy giải ngân FDI, một số biện pháp quản lý như yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ đặcbiệt trong lĩnh vực bất động sản, quy định về tiến độ cũng chặt chẽ hơn, ghi ngay trong giấy chứng nhận đầu tư đã được triển khai.

Các dự án chiếm dụng đất lớn, nhà đầu tư chậm triển khai, cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra, rà soát và thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Trong năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 15 - 16 tỷ USD vốn đăng ký và 10 -11 tỷ USD vốn thực hiện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, công tác thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI và đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015.

 

Lũy kế đến 30/12, Việt Nam có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 2,7 tỷ USD. Trong đó, có một số dự án lớn và đạt hiệu quả tốt như dự án của Viettel tại Campuchia và Lào, dự án 10.000 héc-ta cao su của Công ty Cao su Đăk Lăk đã đi vào khai thác trên 1.000 héc-ta, dự án 5.000 héc-ta cao su của Hoàng Anh Gia Lai sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2010…

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, chúng ta cần thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào cơ sở hạ tầng, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, công nghệ cao. Đồng thời, hạn chế thu hút FDI trong lĩnh vực phi sản xuát, làm tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

“Để “nắn” dòng vốn FDI vào những lĩnh vực trên, đòi hỏi chúng ta sớm xây dựng và điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế ưu đãi để thu hút được những nhà đầu tư trong lĩnh vực đó” - Thứ trường Nguyễn Thế Phương nói.

Một vấn đề nổi cộm trong năm 2011 là hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài vay vốn trong nước song không triển khai dự án. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhật Hoàng, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo để xem xét nguyên nhân chậm trễ. Nếu có khó khăn thì hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết, chỉ khi nào vi phạm trầm trọng mới tính đến rút giấy phép.

Ngoài ra, năm 2012, Cục Đầu tư nước ngoài có một số đề án trọng tâm như Đề án về chống chuyển giá đang được trình lãnh đạo Bộ; Đề án về đối tác chiến lược, danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư dự kiến trình trong tháng 1; Đề án đánh giá tổng thể và định hướng giai đoạn tiếp theo dự kiến trình vào tháng 6… Những đề án này nhằm thúc đẩy công tác thu hút FDI đồng thời đảm bảo nguồn vốn tập trung đúng lĩnh vực cần thiết, hoạt động có hiệu quả.