Thuận lợi và thách thức
Không phải năm 2018, mà trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, Chính phủ cũng nhiều lần hối thúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, cho dù cơ quan này đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên 0,5 điểm phần trăm xuống còn tối đa là 6,5%/năm từ ngày 10/7.
Yêu cầu của Chính phủ không phải là không có căn cứ. Trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 9 và 9 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, trong quý IV vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Cụ thể, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Dollar Index đã giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ các tháng cuối năm chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng khoảng 1 - 1,5 điểm phần trăm so với đầu năm, tạo điều kiện hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất. Một lý do khác là yếu tố hỗ trợ từ phía cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Tuy nhiên, bài toán giảm lãi suất chưa bao giờ là dễ giải đối với những người trong cuộc, đặc biệt với cơ quan quản lý là NHNN, khi đang phải gánh trên vai cùng lúc hai nhiệm vụ khá trái ngược, đó là kiểm soát lạm phát trong khi vẫn phải hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Bởi để kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ thường phải siết lại, đẩy mặt bằng lãi suất cao hơn; trong khi để thúc đẩy tăng trưởng, tiền tệ cần được nới lỏng, thanh khoản dư thừa để tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất.
Để giảm được lãi suất cho vay, phải giảm được lãi suất huy động
Trước đó, ngày 7/7, để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN đã phải giảm các mức lãi suất điều hành như giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.
Để có thể đưa ra quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành, NHNN đã phải cân nhắc rất cẩn trọng, đặc biệt là về lạm phát. Theo một chuyên gia ngân hàng, một trong những yếu tố để NHNN vững tin đưa ra các quyết định giảm lãi suất là chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,17%, sau khi đã giảm 0,53% trong tháng 5. Nhiều tổ chức lúc đó đưa ra dự báo lạm phát cả năm chỉ khoảng 2 - 3%.
Thế nhưng, tình hình đã rất khác trong thời gian gần đây, khi lạm phát có diễn biến tăng nhanh trở lại cùng với giá xăng dầu thế giới và sự phục hồi của giá USD. Điều đó khiến NHNN phải cẩn trọng hơn trong việc giảm các mức lãi suất điều hành một lần nữa.
Các ngân hàng thương mại cũng vậy, mặc dù họ cũng muốn giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng, khi mà thu từ tín dụng vẫn chiếm tới 70 - 80% tổng nguồn thu. Bởi lẽ, tỷ lệ lãi cận biên (NIM - chênh lệch lãi suất cho vay và huy động) của các ngân hàng đang ở mức rất thấp.
Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo ngân hàng, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN là không cao. Trong khi đó, lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng, do áp lực lạm phát và tỷ giá. Theo đó, hệ số NIM của các ngân hàng giảm khá mạnh sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN ngày 7/7.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Để giảm được lãi suất cho vay, phải giảm được lãi suất huy động, trong khi hiện tại, lãi suất huy động cũng khó để giảm thêm. NIM của các ngân hàng đang ở mức thấp và theo quan sát của tôi, trong hệ thống hiện tại, NIM tối đa vào khoảng 2,6%, nên các ngân hàng khó có cửa hạ lãi suất. NIM vốn đã thấp, đẩy xuống thấp nữa, ngân hàng có khả năng lỗ và có thể không đủ bù trừ cho nợ xấu”.
Khó cũng cần giảm!
Các điều kiện kinh tế - tài chính đang thay đổi nhanh chóng. Trên thị trường thế giới, giá nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là dầu tiếp tục tăng; USD đang có xu hướng phục hồi nhờ kỳ vọng kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm được triển khai; dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.
Tại thị trường trong nước, điều kiện cũng thắt chặt hơn. Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong 3 tháng cuối năm dự kiến sẽ bớt dồi dào trước tác động của yếu tố chu kỳ, nhưng trạng thái căng thẳng thanh khoản cục bộ có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ các năm trước. Lãi suất liên ngân hàng dự báo dao động trong khoảng 1,0 - 4,0%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần. Nguyên nhân là do các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất chiếm ưu thế so với yếu tố hỗ trợ giảm.
Chẳng hạn, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc, thêm khoảng 9 - 10% trong 3 tháng cuối năm, khi các ngân hàng nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của năm, hướng tới mốc tăng trưởng tín dụng 21 - 22% mà Chính phủ đã đặt ra. Giải ngân đầu tư công và các hoạt động chi tiêu giai đoạn cuối năm thường tăng nhanh, làm giảm số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống các ngân hàng thương mại.
Theo đó, giảm lãi suất trong những tháng cuối năm là rất khó. Mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2018 cũng không dễ dàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, về nguyên tắc, muốn tăng trưởng kinh tế, tiền đồng phải ổn định, nghĩa là lạm phát phải thấp.
“Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đạt được tăng trưởng kinh tế cao, đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ phải tiếp tục nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến tình trạng các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, dẫn đến lãi suất sẽ khó giảm trong năm 2018, chưa kể đến những vấn đề tồn tại như nợ xấu chưa được giải quyết triệt”, TS. Hiếu nói.
Phó tổng giám đốc phụ trách khối tín dụng của một ngân hàng cho rằng, duy trì lãi suất ở mức như hiện nay cũng đã khó. Các ngân hàng đẩy tín dụng ra thì phải huy động vốn vào, mà huy động vốn vào trong thời điểm hiện tại chỉ có cách nâng lãi huy động. Giảm lãi suất là điều khó thể xảy ra nếu Chính phủ muốn các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào trong lưu thông.
“Đó là chưa kể đến việc nhiều ngân hàng đã “chạm” vào tỷ lệ 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nghĩa là phải huy động vốn trung và dài hạn. Lãi suất trung và dài hạn thực tế đâu có hạ. Từ ngày 1/1/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 45% cũng có tác động ít nhiều đến hệ thống”, vị phó tổng giám đốc trên nói.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các ngân hàng, vì lãi suất huy động đang giữ nguyên. Vì vậy, dễ hiểu khi hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều kêu "khó" khi nói hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các ngân hàng nên nhìn dài hạn hơn, hạ lãi suất vay giúp doanh nghiệp hạ chi phí vốn, tín dụng nhờ đó mở rộng hơn và đây sẽ là lợi ích dài hạn của các ngân hàng.