Giảm lãi suất, tín dụng vẫn khó khơi thông

Giảm lãi suất, tín dụng vẫn khó khơi thông

(ĐTCK) Dù lãi suất đã giảm sâu, nhưng trong bối cảnh mội trường kinh doanh không thuận lợi như hiện nay, NH vẫn khó khơi thông dòng chảy tín dụng, dù vốn khả dựng dư thừa.

Lãi suất cho vay đang và sẽ còn giảm mạnh khi trần huy động được cắt giảm sâu về 9%/năm. Tuy nhiên, theo các ngân hàng (NH), trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi như hiện nay, doanh nghiệp (DN) gặp khó và hết tài sản thế chấp, nợ xấu gia tăng…, NH vẫn khó khơi thông dòng chảy tín dụng, dù vốn khả dụng dư thừa.

Với trần lãi suất huy động còn 9%/năm. Trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực còn 13%/năm. Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu giảm dần lãi suất cho vay thực tế. Chẳng hạn, lãi suất cho vay DN xuất khẩu được VCB, BIDV đưa ra là 12 - 13%/năm; các NH lớn khác áp dụng lãi suất cho vay từ 13 - 14%/năm và các NH nhỏ áp mức từ 14 – 17%/năm.

Lãi suất cho vay giảm được xem là cơ hội thuận lợi cho NH giải ngân, đặc biệt là trước mùa vụ kinh doanh nửa cuối năm. Thế nhưng, vấn nạn nợ xấu đang là chướng ngại lớn ngăn dòng chảy tín dụng của NH. Dù tăng trưởng dư nợ toàn ngành tính đến cuối tháng 5/2012 là -0,2% và hiện khá dư thừa vốn, các NH vẫn rất thận trọng cho vay.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, giảm mạnh lãi suất là điều kiện tốt để phát triển tín dụng, song vấn đề là NH đang phải quan tâm tới rủi ro nợ xấu. Eximbank tính toán, năm nay, dư nợ của NH chỉ tăng khoảng 10 - 12% so với chỉ tiêu nhận được là 17%. Tuy nhiên, theo ông Phước, nếu giá vốn xuống thì cầu vốn sẽ tăng. Hơn nữa, Chính phủ sẽ có các giải pháp để kích cầu cho nền kinh tế. Khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện, nhưng mức tăng cả năm của toàn ngành chỉ có thể kỳ vọng là 10%.

Giảm lãi suất, tín dụng vẫn khó khơi thông ảnh 1

Tổng giám đốc một NH tại TP. HCM cho rằng, lãi suất giảm vẫn khó giải quyết được tình trạng ứ đọng vốn. Bởi NHNN hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cho vay khi DN còn nợ cũ, mặc dù đã ra thông báo cho phép các NH được giãn nợ. “Chính sách cho giãn nợ, cơ cấu nợ chỉ mới chung chung. Ví dụ như việc không tính lãi quá hạn. Thực tế, NH phải lấy lãi suất cho vay để trả lãi tiền gửi cho khách hàng. Lãi suất nhận vào và cho vay dài hạn phải khớp nhau, miễn lãi phạt trả chậm, NH lấy gì bù lỗ”, ông này nói.

Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, môi trường kinh doanh không thuận lợi đã tạo khó khăn cho DN, nên NH khi cho vay cũng phải kiểm soát chặt chẽ, nhằm tránh rủi ro nợ xấu, nhất là khi nợ xấu đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, bản thân DN cũng đã cạn tài sản để thế chấp, NH rất khó cho vay giãn nợ. Hiện nay, lãi suất cho vay còn 13 - 14%/năm, nhưng NH cho vay rất hạn chế và chỉ tập trung cho vay DN cũ.

“Hiện NHNN chỉ đưa chủ trương xuống, trong khi DN đang phá sản rất nhiều, NH sợ không dám cho vay. DN phá sản thì NH xem như mất trắng”, ông Long nói. Đối với NH, chênh lệch lãi vay 1 – 2%/năm không phải là vấn đề chính, mà quan trọng hơn là NH không biết sức khỏe DN đó đang ở mức nào. Về phía DN, các DN có sức khỏe tốt thì hàng tồn kho nhiều, không bán được nên chưa có nhu cầu vay vốn. Do đó, lãi suất giảm mạnh chưa hẳn là giải pháp tốt nhất để tín dụng tăng trưởng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, dù NHNN đã cho phép các NH giãn nợ cũ và xem xét cho khách hàng vay mới, nhưng với NH, tài sản đảm bảo luôn là yếu tố đòi hỏi hàng đầu khi cho vay.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, rào cản lớn nhất khiến tín dụng khó tăng trưởng hiện nay chính là nợ xấu. Chỉ có xử lý nợ quá hạn, nợ xấu bằng việc thành lập công ty mua bán nợ và có thể NHNN sẽ là đầu mối đứng ra mua nợ xấu, khoanh vùng nợ quá hạn, NH mới có cơ sở cho vay vốn mới.

Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nhận định, giải quyết vấn đề nợ xấu cũng là một trong những giải pháp để tái cơ cấu ngành NH. Song vấn đề hiện nay là làm thế nào để xử lý được nợ xấu đang tồn đọng, bằng nguồn lực nào? Cần có sự đồng thuận cao trong xã hội mới có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu tồn đọng.