Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng đang được “neo” ở mức cao. Kỳ hạn 6 tháng trở xuống áp trần 5,5%/năm và 12 tháng trở lên dao động từ 7,5-8,7%/năm, còn lãi suất mua chứng chỉ tiền gửi cao nhất là 10,2%/năm.
Ngoài ra, để tăng thu hút nguồn tiền gửi, các nhà băng còn gia tăng thêm khuyến mãi, quà tặng và cộng biên độ lãi suất từ 0,5-2%/năm cho khách hàng có khoản tiền gửi từ vài tỷ đồng trở lên. Trong khi mới đây, NHNN đã có công văn cảnh báo các ngân hàng về việc áp lãi suất huy động ở mức cao.
Chính vì tăng chi phí huy động, nên lãi suất đầu ra khó có thể giảm trong bối cảnh hiện nay. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với cá nhân (tiêu dùng, vay mua nhà, ô tô...) dao động từ 11-13%/năm.
Khách hàng cá nhân được vay ưu đãi lãi suất cũng chỉ trong thời gian ngắn từ 3-12 tháng, sau đó cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm.
Với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cho vay dao động từ 7-8%/năm, nhưng chủ yếu áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Trong bối cảnh room tín dụng hạn chế, các nhà băng đang ưu tiên cho vay cá nhân, bán lẻ, bởi phân khúc này có biên lãi ròng (NIM) cao hơn so với cho vay doanh nghiệp và phân tán được rủi ro.
Lãi suất cho vay tại các ngân hàng có vốn nhà nước cũng chưa có dấu hiệu giảm thêm sau khi đã giảm 0,5%/năm vào đầu tháng 8/2019 và chỉ tập trung cho lĩnh vực ưu tiên.
Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng này cũng chỉ tập trung vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Liên quan tới việc giảm lãi suất điều hành của NHNN, ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, động thái này không bất ngờ và phù hợp với định hướng điều hành vừa thận trọng, vừa linh hoạt mà cơ quan điều hành ngành ngân hàng đã đặt ra từ đầu năm.
Theo ông Tùng, lãi suất điều hành giảm cũng không ảnh hưởng nhiều tới các ngân hàng, bởi hoạt động ngân hàng chủ yếu diễn ra ở khu vực dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1).
Một cán bộ trong ngành ngân hàng chia sẻ, vì mặt bằng lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm (0,5%/năm) vào đầu tháng 8 vừa qua, nên khó có thể giảm thêm, cho dù NHNN giảm lãi suất điều hành.
Hơn nữa, việc room tín dụng khó được nới rộng thêm càng khiến lãi suất cho vay khó giảm, thậm chí áp lực tăng lãi suất còn dồn vào cuối năm - vốn là mùa cao điểm kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Từ đầu quý III/2019, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bắt đầu nhích tăng 0,15 điểm phần trăm so với đầu năm.
Theo Công ty Chứng khoán Rổng Việt (VDSC), diễn biến này là hệ quả của chính sách kiểm soát an toàn thanh khoản (thông qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khi các ngân hàng đang tiến đến áp dụng Basel II vào đầu năm 2020.
Thống kê của VDSC cũng cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn trên 1 năm hiện là 6,95%/năm, kỳ hạn 6 tháng - 1 năm là 6,15%/năm - cao nhất kể từ năm 2015.
Áp lực tăng lãi suất huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi mà Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 35% hoặc 37% kể từ ngày 1/7/2020 và còn giảm tiếp theo lộ trình.
Còn theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, do lạm phát đang thấp hơn dự kiến, nên giảm lãi suất điều hành cũng đồng nghĩa với việc NHNN sẵn sàng tăng cung tiền, qua đó phát đi tín hiệu tăng khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại.
Có thể thấy, việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là cần thiết trong bối cảnh cầu vốn của doanh nghiệp thường tăng mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần giảm thêm lãi suất điều hành để tác động sâu hơn tới thị trường, giúp giảm áp lực lãi suất đầu vào, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, giới phân tích tài chính nhìn nhận, nhiều khả năng lãi suất cho vay cả năm 2019 sẽ không giảm, bởi chi phí đầu vào của ngân hàng tiếp tục tăng theo lãi suất huy động, kéo lãi vay tăng theo.