Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thưa ông, vì sao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm thời gian làm việc của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần?
Giảm thời gian làm việc xuống 44 giờ/tuần trong thời gian đầu chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động tới chi phí sản xuất do doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động. Chúng tôi rất chia sẻ với chủ sử dụng lao động, nhưng đã đến lúc phải giảm thời gian làm việc cho người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiến tới còn 40 giờ/tuần.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 46 nước trên thế giới thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần. Các nước trong khu vực cũng đã giảm thời gian làm việc cho người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Thậm chí, Trung Quốc đã thực hiện thời gian làm việc trong tuần có 40 giờ, mà chúng ta vẫn cứ giữ nguyên thời gian làm việc 48 giờ trong tuần là không phù hợp với xu hướng giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ trong năm của thế giới. Hơn nữa, nếu không giảm giờ làm việc cho người lao động sẽ tiếp tục tạo ra sự mất công bằng, bất bình đẳng giữa người lao động trong nền kinh tế.
Mất công bằng ở chỗ nào, thưa ông?
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Công chức, viên chức là người lao động trong khu vực nhà nước được nghỉ ngày thứ 7, tức là mỗi tuần làm việc có 40 giờ, nhưng người lao động trong khu vực doanh nghiệp phải làm việc 48 giờ/tuần là không công bằng giữa người lao động trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng nhiều lần khuyến nghị Việt Nam nên giảm thời gian làm việc cho người lao động xuống 44 giờ/tuần và tính đến lộ trình giảm thời gian làm việc cho người lao động xuống 40 giờ/tuần. Tuyên bố Thế kỷ về tương lai việc làm năm 2019 của ILO cũng nhắc đến việc hạn chế thời gian làm việc tối đa và bảo đảm hài hòa giữa lao động với cuộc sống của người lao động.
Tức là, theo quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này vừa tăng ngày nghỉ trong năm, vừa giảm thời gian làm việc trong tuần?
Lý do kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần như tôi đã nói ở trên, còn phải tăng ngày nghỉ trong năm là bởi hiện tại, mỗi năm người lao động được nghỉ tối thiểu 12 ngày phép hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động và nghỉ lễ, tết, tổng cộng 10 ngày nữa. Trong khi đó, người lao động ở các nước trên thế giới được nghỉ phép tối thiểu 3 tuần/năm và số ngày nghỉ lễ, tết cũng nhiều hơn Việt Nam.
Người lao động ở các nước trong khu vực cũng đều được nghỉ phép và nghỉ lễ nhiều hơn người lao động Việt Nam, như người lao động Trung Quốc mỗi năm được nghỉ 21 ngày, riêng quốc khánh họ được nghỉ 7 ngày, số ngày nghỉ phép của người lao động Trung Quốc cũng nhiều hơn Việt Nam. Ngay cả Myanmar, quốc gia còn kém chúng ta 4 bậc về thu nhập bình quân đầu người, cũng đã thực hiện thời gian làm việc 44 giờ/tuần và 21 ngày nghỉ lễ, tết; số ngày nghỉ phép của người lao động Myanmar cũng nhiều hơn Việt Nam.
Năng suất lao động, sức cạnh tranh nền kinh tế của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu giảm thời gian làm việc trong tuần, tăng số ngày nghỉ trong năm sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, khả năng cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước?
Năng suất lao động bình quân của người Việt Nam thấp là do tỷ lệ lao động phi chính thức, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên tổng số lao động của nền kinh tế quá lớn, còn lao động trong các lĩnh vực khác không hề thấp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Vì thế, nếu nói rằng, vì năng suất lao động thấp mà chưa tính đến việc giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ là thiếu thuyết phục.
Trung Quốc thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, 21 ngày nghỉ lễ, tết; số ngày nghỉ phép trong năm cũng nhiều hơn Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng đến năng suất lao động không, có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không, có giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế không? Câu trả lời là không.
Tổng số thời gian làm việc của người lao động Việt Nam trong năm nhiều hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia... hàng trăm giờ, nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có vượt trội so với các nước trong khu vực hay không? Vì vậy, kéo dài thời gian lao động không phải là nhân tố để tăng năng suất lao động, nâng sức cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhân tố này càng ngày càng giảm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian đầu khi thực hiện giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, chắc chắn ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng chủ yếu với những doanh nghiệp thâm dụng lao động, nhưng trước áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, dây chuyền, thiết bị, máy móc; thay đổi quản trị, quản lý; đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đây mới chính là nhân tố để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, chứ không phải kéo dài thời gian lao động.