Ảnh Shutterstock
Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại
Về xuất khẩu, tính chung 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, bằng 73,9% kế hoạch năm. Mức tăng này thấp hơn so với đà tăng cùng kỳ của giai đoạn 2017 - 2018 với tăng tương ứng 20,6% và 15,8%.
Xét theo nhóm hàng, có 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,7%; rau quả giảm 4,6%; hạt điều giảm 6% trong khi lượng tăng 20,2%; cà phê giảm 20,7% (lượng giảm 12%); gạo giảm 9,7% (lượng tăng 4,5%).
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3,29 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 53,2%, dầu thô giảm 8,6% dù lượng tăng 2,6%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 163,66 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng đầu năm 2018 và 23,3% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng chậm lại là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng xuất khẩu chung thấp hơn những năm trước dù các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 16,9%; dệt may tăng 10,4%; giày dép tăng 13,5% và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,5%. Kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng này trong 9 tháng đóng góp 10,37 tỷ USD, chiếm 70,34% trong tổng số 14,75 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch xuất khẩu chung so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công thương, điểm đáng chú ý là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%). Nhờ bước tăng trưởng mạnh mẽ này, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).
Nhập khẩu tăng, duy trì xuất siêu
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó ở nhóm hàng cần nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất.
Đáng chú ý, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh tới 3,86 lần về lượng và 3,5 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 73.063 chiếc với trị giá 1,39 tỷ USD.
Như vậy, tính chung 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 25,3 tỷ USD.
Cẩn trọng hệ lụy từ thương chiến Mỹ - Trung
Theo nhận định của Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp và vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.
Tuy mức tăng trưởng xuất khẩu 8,2% trong 9 tháng có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu từ 7%- 8% trong năm 2019.
Trong tháng 9, PMI sản xuất của Việt Nam giảm về 50,5 điểm, điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ, và mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016. Ngoài ra, kết quả chỉ số PMI đã giảm từ mức 51,4 điểm của tháng 8, là lần giảm thứ hai liên tiếp, cho thấy PMI Việt Nam đã theo xu hướng giảm của PMI ASEAN. Điều này chứng tỏ Việt Nam không nằm ngoài mức độ ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu như ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, khi động lực tăng trưởng từ phía doanh nghiệp Samsung còn là một ẩn số trong bối cảnh doanh số bán hàng từ Samsung toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại.
Đặc biệt, các chuyên gia thương mại cũng cảnh báo việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản.
Theo đó, Nhân dân tệ giảm so với USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Đồng thời, việc đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020, do đó sẽ tiếp tục tác động lớn tới xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ và tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Bộ Công thương tiếp tục khuyến cáo, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
Tận dụng chuỗi cung ứng đẩy mạnh xuất khẩu
Trong bối cảnh này, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong quý còn lại, Bộ Công thương cho rằng, cần tận dụng mọi cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác.
Đồng thời, tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới chuẩn bị năng lực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực. Xây dựng phương án tổ chức sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu để tận dụng cơ hội của cuộc chiến thương mại.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển "quá đà", dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.