Đồ họa mô tả hành tinh WASP-79b quay quanh ngôi sao lớn gấp nhiều lần Mặt Trời. Ảnh: NASA.

Đồ họa mô tả hành tinh WASP-79b quay quanh ngôi sao lớn gấp nhiều lần Mặt Trời. Ảnh: NASA.

Phát hiện ngoại hành tinh có bầu trời vàng và mưa sắt

Các nhà thiên văn học NASA tìm thấy một hành tinh có bầu khí quyển bất thường, được gọi là WASP-79b, cách Trái Đất khoảng 800 năm ánh sáng.

Theo mô tả trên tạp chí Astronomical Journal, WASP-79b có bầu trời màu vàng thay vì xanh dương giống như hành tinh của chúng ta. Nó quay quanh ngôi sao chủ CD-30 1812 thuộc chòm sao Ba Giang (Eridanus) và hoàn thành một vòng quỹ đạo sau mỗi 3,7 ngày. 

Hành tinh này không nằm trong vùng có thể ở được, có nghĩa là không có nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Với nhiệt độ trung bình lên tới 1650℃, nó là một trong những ngoại hành tinh nóng nhất từng được khám phá. 

"WASP-79b nặng gấp đôi sao Mộc và nóng đến mức có một bầu khí quyển giãn nở - điều kiện lý tưởng để nghiên cứu ánh sáng sao. Hành tinh còn có những đám mây sắt rải rác được nâng lên tới độ cao có thể kết tủa và rơi xuống như mưa", NASA giải thích.

Trưởng nhóm nghiên cứu Kristin Showalter Sotzen từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ nhấn mạnh WASP-79b có một quá trình khí quyển không giống bất kỳ mô hình vật lý nào.

Các nhà khoa học không quan sát thấy dấu hiệu của "tán xạ Rayleigh" - hiện tượng những hạt bụi rất nhỏ ở trên cao khiến các bước sóng ánh sáng phân tán khác nhau. Tán xạ Rayleigh giải thích tại sao Trái Đất có bầu trời xanh.

"Vì đây là lần đầu tiên thấy điều này, chúng tôi chưa thể hiểu rõ nguyên nhân", Sotzen cho biết. "Chúng ta cần để mắt đến những ngoại hành tinh tương tự trong tương lai vì chúng có thể là dấu hiệu của một quá trình khí quyển mà chúng ta chưa biết tới".

Trong nghiên cứu, Sotzen cùng các đồng nghiệp đã sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và ESA, kết hợp với hệ thống kính viễn vọng mặt đất Magellan II tại Đài quan sát Las Campanas ở Chile.

Ở giai đoạn tiếp theo, các nhà thiên văn học hy vọng có thể sử dụng kính thiên văn không gian James Webb - dự kiến ra mắt vào năm 2021 - để thực hiện các quan sát rõ hơn, giúp phân tích thành phần hóa học trong khí quyển của WASP-79b.

Tin bài liên quan