Các ngân hàng có thể sẽ được phép mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Nguy cơ nợ xấu tăng cao
Thông tin từ Agribank cho biết, tính đến tháng 7/2021, có khoảng 186.700 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.484 khách hàng với dư nợ hơn 11.460 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank trăn trở trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021.
“Những khó khăn này cần phải tháo gỡ ngay tại văn bản pháp luật, nếu không sẽ không có căn cứ pháp lý để tháo gỡ, vì thực trạng ảnh hưởng đã sâu rộng và kéo dài hơn so với dự tính (31/12/2021) và để trả nợ được trong năm 2022 thì năm 2021 phải phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng thực chất lại ảnh hưởng nặng nề hơn”, ông Vượng nói.
Ông Vượng chia sẻ, nợ xấu tính đến 31/7/2021 tăng mạnh so với đầu năm, đặc biệt là các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải - kho bãi, hoạt động tiêu dùng… Trong đó, riêng dư nợ cơ cấu, miễn giảm lãi theo Thông tư 01 và Thông tư 03 bị chuyển nợ xấu đã chiếm đến 25% tổng nợ xấu phát sinh. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều khách hàng không thể trả nợ đúng hạn (bao gồm cả những khách hàng đã được cơ cấu lại theo Thông tư 03), dẫn nợ xấu tăng. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2021 có thể lên trên 2%.
Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm tàng ở từng ngân hàng và cả hệ thống.
Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, mặc dù ổn định tài chính chung đã được Việt Nam duy trì, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP từ mức 136% năm 2019 đã tăng lên 146% tính đến cuối năm 2020, làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, có thể cả bất động sản.
“Hai đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhất là đợt dịch tháng 5/2021, đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong danh mục của các ngân hàng tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020. Việc Ngân hàng Nhà nước chưa công bố số liệu cập nhật trong thời gian gần đây làm dấy lên quan ngại về nợ xấu”, bà Dorsati Madani nhận xét.
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng ở mức thấp do Ngân hàng Nhà nước ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Rủi ro mất khả năng trả nợ gia tăng có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống 11,13% vào tháng 12/2020 và 11,1% cuối tháng 6/2021.
“Những số liệu chung đó có thể che lấp nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm tàng ở từng ngân hàng và cả hệ thống”, vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Áp lực có thể được giải tỏa và tạo cơ hội đầu tư
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nội dung chính là cho phép mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu với việc tăng thời hạn khoản nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021 và có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc lãi từ 23/1/2020 đến 30/6/2022. Dự thảo cho phép ngân hàng có thể giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được ngân hàng thực hiện tái cơ cấu, từ đó chưa phải trích lập cho các khoản nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết cắt giảm lãi vay từ 0,5 - 2,5%/năm (với tổng giá trị lãi cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, trong thời gian từ 13/7/2021 đến cuối năm 2021. Việc sửa đổi Thông tư 01, mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu và gia tăng thời hạn cho các khoản nợ là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch bệnh.
Một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank nhìn nhận, những người làm chính sách không thể làm vừa lòng tất cả các bên, mà cố gắng hài hoà nhất có thể. Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 là điều rất tích cực, sát hơn với thực tế và đặc biệt có ý nghĩa đối với khoản nợ liên quan đến cho vay ngắn hạn. “Không sửa đổi, nhóm này sẽ chết hết”, lãnh đạo LienVietPostBank nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội cho rằng, trong bối cảnh đại dịch gây ra nhiều khó khăn, việc giãn thời gian trả nợ gốc và lãi theo dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và phù hợp, nhằm giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn để từ đó phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn.
“Sửa đổi Thông tư 01 còn giúp giảm áp lực về nợ xấu lên các ngân hàng thương mại. Nếu nợ xấu không chuyển biến tốt trở lại thì ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập nợ xấu trong tương lai, khi các khoản nợ tái cơ cấu đến hạn. Dù vậy, các ngân hàng cũng đã có bệ đỡ, tránh tình trạng gặp cú sốc bất lợi về lợi nhuận”, TS. Hiếu nói.
Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, theo quy định hiện hành, khi ngân hàng cơ cấu nợ, tất cả những khoản lãi dự thu không được tính vào thu nhập, bên cạnh đó còn phải trích lập dự phòng trong ba năm nên lợi nhuận các ngân hàng khó có thể tiếp tục tăng mạnh.
“Lợi nhuận các ngân hàng trong 2 quý cuối năm 2021 không thể tăng như 2 quý đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp xấu là chủ yếu và điểm sáng vẫn là khối ngân hàng với nguồn lực, nền tảng nhất định cùng lượng khách hàng báo lãi bên cạnh doanh nghiệp “chết”, nên các nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu ngành ngân hàng không phải là điều khó lý giải”, lãnh đạo LienVietPostBank nói.
Liên quan tới cổ phiếu ngân hàng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng nếu cuối năm vẫn tăng trưởng mạnh sẽ là điều vô lý, trừ phi tự dưng có cái bánh ở trên trời rơi xuống, mà nếu thật có bánh rơi xuống đi chăng nữa cũng chỉ là “bánh vẽ”.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng vẫn là một trong những nhóm cổ phiếu được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, vốn là nhóm có tỷ trọng lớn và thường xuyên dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, tiềm năng sinh lời của kênh đầu tư chứng khoán vẫn được đánh giá cao. Tổng doanh thu trên toàn thị trường tính đến cuối quý II/2021 tăng 35% và tổng lợi nhuận tăng 66% so với cùng kỳ.
“Vì thế, ở góc độ là nhà đầu tư, tôi sẽ không bỏ qua cơ hội kiếm lời này”, vị tổng giám đốc ngân hàng trên nói.