Điều này khiến cho tòa án luôn ở tình trạng quá tải. Trong khi đó, số lượng giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài chiếm chưa đến 1%.
Theo Dự thảo Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành luật Trọng tài thương mại của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/7/2015, cả nước đã có 12 trung tâm trọng tài với tổng số 350 trọng tài viên.
Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, các trung tâm trọng tài đã thụ lý 879 vụ việc và ban hành 586 phán quyết trọng tài, trong đó 180 phán quyết đã được thi hành xong với số tiền là 3,612 triệu USD và 300 tỷ đồng.
Con số trên khá khiêm tốn so với hàng trăm nghìn vụ việc mà tòa án các cấp đang thụ lý, xét xử. Cá biệt, có trung tâm trọng tài được thành lập từ lâu, nhưng chưa ban hành một phán quyết nào. Ở một số nước có hoạt động trọng tài phát triển như Singapore, Hồng Kông…, chỉ có 1 hoặc 2 trung tâm trọng tài, tuy nhiên mỗi năm xử lý hàng nghìn vụ việc.
Vậy nguyên nhân thực trạng này xuất phát do đâu?
Tiến sỹ Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chỉ ra ba hiểu lầm khiến doanh nghiệp trong nước còn e ngại với trọng tài.
Theo ông Nết, hiểu lầm lớn nhất là do doanh nghiệp chưa có hiểu biết cặn kẽ về trọng tài, đồng thời cho rằng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ không có hiệu quả như mong muốn.
Dẫn giải điều này, ông Nết minh chứng, có trường hợp khi bị kiện ra trọng tài, doanh nghiệp thậm chí không đến để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, theo vị luật sư lâu năm trong nghề này, phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ưu việt hơn tòa án bởi vì Công ước New York có thể thi hành ở khắp nơi trên thế giới, trong khi tòa án ở nước nào xử lý thì quyết định chỉ được thi hành ở nước đó.
“Trên nhiều phương diện, đây là cách giải quyết ưu việt hơn nhiều so với tòa án vì phán quyết của trọng tài trung thực, nhanh chóng và có tính bảo mật”, ông Nết nói.
Hiểu lầm thứ hai là doanh nghiệp vẫn còn lo sợ phán quyết của trọng tài bị tòa án tuyên hủy. Khi đó, công sức họ đưa ra trọng tài sẽ gần như “đổ sông, đổ bể”. Theo Tiến sỹ Lê Nết, điều này hiện đúng một phần, nhưng trong tương lai, khi luật pháp ngày càng hoàn thiện hơn thì số lượng án hủy sẽ ít hơn. Ông Nết dẫn chứng, trong năm 2015, phán quyết của VIAC không bị hủy một vụ việc nào.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có niềm tin đối với trọng tài viên. Họ lo ngại trọng tài viên không có khả năng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đây là một hiểu lầm lớn, bởi lẽ các trọng tài viên luôn có đủ khả năng,trong danh sách trọng tài của VIAC còn có cả trọng tài nước ngoài nổi tiếng.
“Có một phương thức khác còn hay hơn trọng tài, đó là hòa giải, nhưng hiện nay chưa thực hiện được vì nghị định về hòa giải thương mại chưa ra đời. Tuy nhiên, trong tương lai, xu hướng chủ đạo giải quyết tranh chấp sẽ là hòa giải, sau đó mới đến trọng tài”, Tiến sĩ Lê Nết chia sẻ thêm.
Vị luật sư này còn lưu ý với doanh nghiệp rằng, khi đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, nên cố gắng giải quyết tranh chấp tại Việt Nam vì sẽ không mất công đoạn đầy rủi ro là công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Như vậy, việc thi hành dễ hơn, giải quyết nhanh gọn hơn và chi phí cũng rẻ hơn.
Tiến sĩ Lê Nết cắt nghĩa, thông thường, thủ tục hủy phán quyết cũng chặt chẽ, tức là cần phải có bằng chứng sai về mặt tố tụng hoặc hội đồng trọng tài vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp phải nhượng bộ về luật áp dụng và nơi giải quyết tranh chấp, nên chọn nơi giải quyết tại Việt Nam. Xét cho cùng, luật áp dụng chỉ là hợp đồng, bất kể bộ luật nước nào cũng sẽ phải tôn trọng hợp đồng.
Mặt khác, khi chọn lựa trung tâm trọng tài, cần tìm trọng tài viên nắm chắc luật, vô tư, khách quan. Nếu chọn trung tâm trọng tài nước ngoài, phải xem xét kỹ luật trọng tài nước đó. Nhiều khi trọng tài nước ngoài đưa ra phán quyết sai, nhưng quốc gia đó không đả động đến phán quyết, mà chỉ xem xét mặt tố tụng (chuẩn mực mang tính mệnh lệnh mà các chủ thể không thể vi phạm bằng hành vi hoặc thỏa thuận khác - PV). Sau đó, phán quyết vẫn phải đem về Việt Nam để công nhận thi hành. Khi đó, doanh nghiệp còn có thể “lâm nguy ở phút 89”.