Vừa qua, chị Trần Thị Thoa (tên đương sự đã được thay đổi), trưởng phòng tài vụ - văn phòng của một cơ quan cấp tổng cục đã đệ đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vì cho rằng quyết định kỷ luật của cơ quan với chị là không đúng.
Theo đơn khởi kiện, hàng năm, cơ quan chị Thoa chi hơn 200 tỷ đồng cho văn phòng phẩm như mực máy in, máy photo, sửa chữa các máy này... Quá trình thực hiện, có việc chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, chỉ định thầu liên tục bình quân 2 ngày/lần, hợp thức hóa kéo dài trong nhiều năm.
Qua hoạt động nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chị Thoa nhận thấy có bất thường trong việc mua mực và sửa chữa máy in, máy photo. Chẳng hạn, có phòng, ban chỉ 20 người nhưng có năm sử dụng đến 188 hộp mực in. Chị Thoa dành thời gian hơn 1 năm nghiên cứu, phân tích số liệu mới phát hiện ra hồ sơ thanh toán không hợp lý, hợp lệ, từ đó thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 14,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thay vì được khen thưởng, động viên, tháng 3/2019, chị Thoa nhận được quyết định kỷ luật công chức của thủ trương cơ quan với hình thức cảnh cáo vì có vi phạm nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí. Do đó, chị Thoa đã đệ đơn khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy quyết định kỷ luật nói trên.
Ðơn khởi kiện của chị Thoa dài 13 trang với nhiều nội dung, vấn đề, có nhiều người liên quan. Nếu chuyển sang tòa án giải quyết, rất có thể vụ án sẽ kéo dài bởi tính phức tạp. Hơn nữa, nguyên đơn khởi kiện không phải để đòi lợi ích kinh tế mà cho rằng bản thân bị trù dập, oan sai, danh dự cá nhân bị ảnh hưởng.
Liên quan đến vấn đề này, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa giải quyết vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo vì quyết định thu hồi bằng tiến sĩ. Ông Quế chỉ đòi bồi thường số tiền mang tính tượng trưng là 1 triệu đồng. Ông Quế khởi kiện từ năm 2013, chính vấn đề danh dự đã khiến ông theo đuổi vụ kiện trong nhiều năm.
Tuy nhiên, trong vụ việc của chị Thoa, nhờ công tác đối thoại, hòa giải, chị đã được tư vấn hướng giải quyết phù hợp nên rút đơn kiện.
Bà Vũ Thị Cúc, hòa giải viên thuộc Trung tâm Ðối thoại, hòa giải, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho biết, đơn kiện của chị Thoa đề ngày 14/6/2019. Ngày 18/6, chị Thoa nộp đơn và đơn được chuyển tới Trung tâm. Ngay sau nhận đơn, bà đã nghiên cứu vụ việc và mời chị Thoa đến làm việc vào ngày 20/6. Ngay trong ngày 20/6, chị Thoa đã quyết định rút đơn khởi kiện.
Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Cúc cho hay, khi làm việc, chị Thoa rất bức xúc và ấm ức vì cho rằng mình bị trù dập, bị kỷ luật oan, trong khi cơ quan bao che cho những người sai phạm. Tuy nhiên, chị Thoa mới chỉ nắm bắt được trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật, chưa biết cách thức trình bày, dẫn dắt, nêu chứng cứ, gửi kèm những hồ sơ, tài liệu để chứng minh bản thân không vi phạm. Do đó, việc giải quyết tại cơ quan không hiệu quả.
Bà Cúc đã tư vấn cho chị Thoa nên giải quyết ổn thỏa với cơ quan, vì dù sao đây cũng là nơi chị (là công chức) sẽ còn làm việc trong nhiều năm tới, việc giải quyết tại tòa án là biện pháp cuối cùng. Sau khi được hướng dẫn, tư vấn pháp luật, chị Thoa đã rút đơn khởi kiện.
Trường hợp của chị Thoa là một trong nhiều vụ việc hành chính hòa giải thành tại các trung tâm hòa giải đối thoại trên địa bàn Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hà Nội đã tiếp nhận 10.151 đơn khởi kiện các loại. Có 7.811 đơn đủ điều kiện giải quyết tại các trung tâm đã được thụ lý; trong đó 6.723 đơn đã được giải quyết, bao gồm hòa giải, đối thoại thành 4.418 vụ việc.
Tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 65,7%. Trong các vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 307 vụ dân sự, 3.939 vụ hôn nhân và gia đình, 107 vụ kinh doanh thương mại, 24 vụ lao động và 41 vụ hành chính.
“Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Ðương sự không chỉ tiết kiệm được án phí, tiết kiệm thời gian, mà còn được tư vấn để hiểu pháp luật, hiểu sự việc và lựa chọn phương án ứng xử thích hợp nhất”, bà Vũ Thị Cúc nhận xét.
Ðược biết, Hà Nội là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn triển khai thí điểm phương thức hòa giải. Hiện tại, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã thành lập 16 trung tâm hòa giải, đối thoại, bao gồm 1 trung tâm tại cơ quan này và 15 trung tâm tại tòa án nhân dân quận/huyện: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng, Ðống Ða, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Ðông Anh, Hoài Ðức, Chương Mỹ.