Giải quyết tín dụng đen: Vẫn cần giải pháp căn cơ và bền vững hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn...

Sáng nay (2/12) đã diễn ra Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch hành động của ngành với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

“Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, bà Tùng nói.

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, bà Tùng cho biết, tính đến ngày 19/11/2021, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó là hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn).

“Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế”, bà Tùng nhấn mạnh.

Riêng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, cuối tháng 10/2021 đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,6% và dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt chiếm 26,4%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặc dù, thời gian qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nội chính (Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...), ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, thu nhập của người dân, nhất là đối tượng lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ bị giảm sút…

“Thậm chí nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn (các đối tượng lợi dụng công nghệ dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến, qua điện thoại...)”, ông Hùng nói

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chia sẻ trường hợp điển hình là ngày 23/12/2020, Phòng PC02 điều tra khám phá ổ nhóm tội phạm có tổ chức Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do đối tượng Lương Thị Hà (SN: 1977; nơi cư trú: Ngõ 46A Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) cầm đầu.

Ổ nhóm chuyên hoạt động tổ chức cho vay lãi nặng với lãi suất 3.000 - 3.500 đồng/triệu/ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hà cùng khoảng 5 - 6 đối tượng khác câu kết chặt chẽ với nhau để tổ chức hoạt động phạm tội.

“Khi các con nợ chưa có tiền trả lãi thì Hà lại giới thiệu các con nợ đến vay tiền của Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Quốc Việt, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Anh Tiến, Lê Mạnh Hà cùng trong ổ nhóm để trả lãi cho chúng, thực chất đều là tiền của Lương Thị Hà cho vay. Cứ như vậy, các con nợ mất khả năng trả nợ thì các đối tượng đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần buộc các con nợ phải tìm mọi cách để trả nợ”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra hàng loạt các biện pháp để đẩy lùi tín dụng đen như Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 119/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 về hụi, họ, biêu, phường; Chỉ thị 06/CT- TTg (2020) về củng cố hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân, Quyết định 149/QĐ-TTg (2020) về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 810/QĐ-NHNN (ngày 11/5/2021) về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

“Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công An trong việc truy quét, đưa ra ánh sáng nhiều vụ tín dụng đen; hay NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cung cấp các gói tín dụng, tăng hạn mức tín dụng, đẩy mạnh cho vay tín chấp, giảm thiểu thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới....để góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, vẫn cần có giải pháp căn cơ và bền vững hơn”, TS. Lực nêu quan điểm.

Theo đó, TS. Lực gợi ý 6 giải pháp, gồm: Một là tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Hai là tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số; Ba là nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng;

Bốn là hết sức chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách; trong đó tập trung xóa điểm nghẽn phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, các hiệp hội ngành nghề và dân sự (hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc...);

Năm là triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen. Bên cạnh các văn bản hiện có như Luật Dân sự và Luật Hình sự (tội cho vay nặng lãi), các nghị định, thông tư; các cơ quan quản lý cần rà soát và bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với việc xử lý hoạt động ngày càng tinh vi…

Cuối cùng, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng, chống tín dụng đen. Người dân, doanh nghiệp cần tránh xa những quảng cáo, kêu gọi hỗ trợ vay vốn, không cần chứng minh thu nhập… tại các tờ quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn...

"Mỗi khi có nhu cầu tín dụng thực sự, người dân hay doanh nghiệp nên tìm kiếm các nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, từ các website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định. Cuối cùng là người dân không nên để lòng tham dẫn dắt”, TS. Lực nói.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, lãi suất tín dụng đen thường là 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/1triệu/1 ngày (182,5%/1 năm), nhiều trường hợp là 7.000 - 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tức 250% đến hơn 300%/năm) tất cả các khoản lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng.

Các đối tượng che giấu hoạt động tín dụng đen bằng việc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để xin việc hoặc lập hợp đồng thuê ô tô xe máy...

Tin bài liên quan