Ông Nirukt Sapru.

Ông Nirukt Sapru.

Giải quyết nợ xấu dù diễn ra hơi chậm, nhưng....

(ĐTCK) “Quá trình giải quyết nợ xấu ở Việt Nam diễn ra hơi chậm, nhưng đã có bước khởi đầu khá tốt. Đây là một quá trình dài hạn và vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới”. Đó là quan điểm của ông Nirukt Sapru, tân Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) khi trao đổi với ĐTCK.

Ông đánh giá thế nào về tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam ?

Chúng tôi có cái nhìn tích cực đối với sự ra đời của VAMC và xem đây là hướng đi đúng đắn trong việc xử lý nợ xấu của Việt Nam . Theo tôi, quá trình giải quyết nợ xấu dù diễn ra hơi chậm, nhưng đã có một bước khởi đầu khá tốt. VAMC sẽ giúp các ngân hàng lấy lại thanh khoản từ các khoản nợ xấu. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, VAMC sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và cả lĩnh vực ngân hàng. Dẫu sao, đây là một quá trình dài hạn và vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới.

Nhiều quốc qua đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tài chính, ví dụ như Malaysia trong những năm 1990 - ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính đã thực hiện rất thành công mô hình công ty quản lý tài sản. Malaysia đã thành lập cùng một lúc cả hai công ty quản lý tài sản và công ty tư vấn mua bán tài sản và Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ những kinh nghiệm đó. Tuy nhiên, mỗi quốc gia phải tìm ra các giải pháp riêng, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, điều kiện của riêng mình.

 

Hiện có không ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam . Để hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ, ông có khuyến nghị gì?

Việt Nam đã có thành tích khá nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã biết đến Việt Nam và hiểu rõ về môi trường đầu tư tại đây. Để hoạt động mua bán tài sản, kể cả nợ xấu hay các loại nợ khác, diễn ra mạnh mẽ, có rất nhiều việc quan trọng cần phải làm. Trước hết, cần phải xây dựng được hành lang pháp lý cho phép việc mua bán nợ diễn ra một cách nhanh chóng. Thứ hai, phải xây dựng được một phương tiện định giá hiệu quả. Cuối cùng, là cần phải có một cơ chế cho phép người sở hữu tài sản có thể chuyển giao các khoản nợ hoặc tài sản một cách nhanh chóng. Đó là 3 khía cạnh mà chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ đạt được những tiến triển trong thời gian tới.

Tôi tin rằng, một khi các nhà đầu tư nước ngoài làm quen với quá trình đó, họ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam .

 

Để vấn đề nợ xấu sang một bên, theo ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn tồn tại những rủi ro gì?

Điều cốt lõi ở bất kỳ lĩnh vực nào là phải đặt trọng tâm vào khách hàng, theo đó, cần có một hệ thống quản trị DN, quản lý rủi ro hiệu quả và nâng cấp, cải tiến công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, theo tôi, cần phải thực sự chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, để hỗ trợ khách hàng, ví dụ như cần phải hiểu được lĩnh vực nào có nhu cầu tín dụng cao nhất, nhằm phân bổ tín dụng một cách hợp lý…

 

Nhận vị trí Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và nội địa vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với cá nhân ông, đâu là thuận lợi và thách thức trong việc chèo lái “con thuyền” Standard Chartered?

Lợi thế lớn nhất của tôi là có một đội ngũ nhân viên làm việc rất chuyên nghiệp và hiệu quả tại Việt Nam . Standard Chartered đang có một hoạt động kinh doanh khá thuận lợi, một nền tảng khách hàng mạnh mẽ và chúng tôi có mối quan hệ tốt với các nhà điều hành và với cộng đồng. Tất cả những điều đó khiến công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn.

Tuy vậy, cũng có khá nhiều thách thức. Nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau nhìn vào những thách thức cũng như cơ hội, để vượt qua những thách thức cũng như tận dụng được những cơ hội. Nhìn chung, tôi rất lạc quan với triển vọng của Việt Nam trong dài hạn.

 

Thông thường, các lãnh đạo mới sẽ có những chính sách mới trong điều hành. Vậy, chiến lược phát triển của Standard Chartered tại Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Standard Chartered đã có lịch sử hoạt động hơn 150 năm và chúng tôi không thay đổi chiến lược mỗi khi có một lãnh đạo mới ở một thị trường nào đó. Chúng tôi đã có một chiến lược rất cụ thể tại Việt Nam và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đó, giống như những gì mà người tiền nhiệm của tôi đã làm.

Chúng tôi có một mạng lưới quốc tế rộng khắp và có thể kết nối khách hàng với các khu vực khác nhau trong mạng lưới đó và kết nối các thị trường với nhau. Ví dụ, nếu khách hàng của chúng tôi muốn xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Hàn Quốc, chúng tôi có thể kết nối họ với các thị trường đó. Chúng tôi có đủ khả năng để hỗ trợ dòng chảy thương mại, đầu tư và cung cấp những tư vấn tốt nhất, đảm bảo rằng khách hàng luôn là trọng tâm trong tất cả các hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng và đóng góp nhiều hơn nữa vào cuộc sống, văn hóa và cộng đồng tại Việt Nam

 

Vậy kinh nghiệm điều hành ở các quốc gia khác sẽ được ông áp dụng như thế nào tại Việt Nam ?

Tôi may mắn khi có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia. Mỗi đất nước có một nền văn hóa khác nhau, nhưng với lời hứa thương hiệu “Here for good” xuyên suốt mọi hoạt động của Standard Chartered, bản thân tôi sẽ thích nghi với thị trường Việt Nam .

Với 25 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, tôi hy vọng sẽ mang những kinh nghiệm mà tôi đã học hỏi để truyền thêm cảm hứng cho quá trình phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của Standerd Chartered tại Việt Nam .

>> Năm 2014, VAMC mới tiến hành bán nợ

>> Gỡ bỏ rào cản trong xử lý nợ xấu

>> Nợ xấu, cần nhìn từ con số báo cáo tài chính cuối năm 

>> Nợ xấu Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại