Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giải pháp nào cho khủng hoảng nợ của Eurozone?

Theo tờ The Economist, các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải suy nghĩ và hành động mạnh dạn hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ lan rộng. Thị trường trái phiếu biến động mạnh ở các nước thành viên yếu trong Eurozone.

Các nhà lãnh đạo đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để bảo vệ đồng euro trước nguy cơ khủng hoảng với các biện pháp cứu trợ mạnh mẽ hơn.

 

Hội nghị thượng đỉnh mới đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không đạt được một kết quả cụ thể nào. Hai nhà lãnh đạo đã phải nhóm họp ngay trong kỳ nghỉ lễ, một phần vì thị trường đã chuyển hướng "tấn công" từ Italy sang Pháp, thành viên trụ cột của Eurozone có chỉ số xếp hạng tín dụng AAA.

 

Các nhà đầu tư từng hy vọng cuộc họp sẽ đạt được thỏa thuận về việc tăng cường quỹ cứu trợ EFSF hoặc bắt đầu phát hành trái phiếu chung cho Eurozone là eurobond.

 

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, lãnh đạo hai nước chỉ đạt được rất ít tiến bộ, chủ yếu chỉ nhắc lại các hiệp định đã có từ trước, hứa hẹn về quản lý kinh tế khu vực đồng euro chặt chẽ hơn và đưa ra các biện pháp rất không mấy sáng suốt như đánh thuế đối với các giao dịch tài chính, thực hiện hài hòa việc đánh thuế doanh nghiệp và đưa vào hiến pháp điều khoản buộc chính phủ các nước phải thực hiện cân bằng ngân sách. Bên cạnh đó là việc đề xuất hội nghị các nhà lãnh đạo Eurozone trong thời gian tới sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.

 

Kết quả cuộc họp đã không tạo ra được hiệu ứng tốt đối với thị trường. Ngay ngày hôm sau, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha và Italy . Trước đó ECB đã phải chi 22 tỷ euro (32 tỷ USD) để mua những trái phiếu này.

 

Số liệu công bố mới nhất cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế Eurozone trong quý II thấp đáng kinh ngạc (0,2%), một phần phản ảnh hậu quả của các biện pháp tài chính thắt lưng buộc bụng, nhưng điều đó cho thấy những nền kinh tế đang gặp rắc rối sẽ khó khăn hơn bao giờ hết để có thể thoát ra khỏi gánh nặng nợ nần của mình.

 

Thủ tướng Merkel biết cử tri Đức rất ghét việc chuyển các khoản tài chính lớn sang cho các nước yếu hơn trong Eurozone vốn đã "vung tay quá trán." Bà cũng nhận thấy rất khó để thuyết phục các đối tác trong liên minh của mình tại quốc hội ủng hộ thỏa thuận mà bà đã ký hồi tháng Bảy để mở rộng quyền hạn của EFSF và cho phép EFSF mua nợ chính phủ. Điều bà quan tâm là Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) một mực chống lại một chương trình lớn của ECB về việc mua các trái phiếu chính phủ (ECB đã chi 100 tỷ euro cho chương trình này). Và bà cũng lo ngại rằng Tòa án Hiến pháp Đức có thể bác bỏ các gói cứu trợ của khu vực đồng euro và coi đó là bất hợp pháp.

 

Nhưng bà Merkel cần phải lưu tâm đến một số vấn đề, đó là kế hoạch cứu trợ đồng euro hiện tại thực ra không hiệu quả. Các thị trường tiếp tục định giá khả năng vỡ nợ của Bồ Đào Nha cũng như Hy Lạp (mặc dù nước thứ ba nhận được cứu trợ là Ireland đã có một chút chuyển biến). Nỗ lực nhằm hạn chế những rắc rối đối với 3 nước trên và ngăn không cho lan rộng sang Tây Ban Nha rõ ràng là đã không thành công. Thay vào đó, Italy và hiện là Pháp, cả hai dường như đều có khả năng thanh toán, đã bị lây nhiễm.

 

Một năm trước đây các chuyên gia cho rằng Eurozone có thể cứu trợ cho hai hoặc ba nền kinh tế nhỏ, nhưng trường hợp Tây Ban Nha là quá lớn để có thể cứu trợ. Hiện nay, với cả Italy và thậm chí cả Pháp cũng đang có viễn cảnh ảm đạm.

 

Sự tồn tại thực sự của đồng euro đang là câu hỏi được đặt ra. Sự sụp đổ của đồng euro không thể không nghĩ tới, nhưng điều này chắc chắn sẽ gây ra tổn thất, đau đớn và với giá rất đắt. Điều rõ ràng nhất cho các nước con nợ là ngân hàng trung ương và chính phủ các nước này sẽ vỡ nợ, nhưng Đức và các chủ nợ khác cũng sẽ phải trả một giá rất cao. Và hậu quả sẽ là sự đau đớn không thể dự đoán được: thị trường chung châu Âu, và thậm chí bản thân Liên minh châu Âu, có thể lâm nguy.

 

Bà Merkel cũng nên biết rằng phải trả giá rất nhiều tiền để tránh tất cả những điều này. Điều đó có nghĩa là, ở mức tối thiểu, mở rộng quy mô của quỹ hỗ trợ EFSF ít nhất lên thành 1.000 tỷ euro, tuy nhiên có giới hạn về độ lớn hơn đến bao nhiêu thì các nước có thể chịu được mà không ảnh hưởng đến mức xếp hạng tín dụng của một số nước chủ nợ. Có thể yêu cầu ECB tăng thêm quy mô mua trái phiếu. Điều đó cũng liên quan đến việc chấp nhận cơ cấu lại nợ lớn hơn đối với Hy Lạp và có thể là các nước mắc nợ khác. Cuối cùng, thậm chí có thể phát hành trái phiếu chung eurobond.

 

Bất kỳ hoặc tất cả các biện pháp này đều có ba điểm chung. Đó là các biện pháp này liên quan đến việc nước kinh tế mạnh hơn hỗ trợ nhiều hơn cho các nước yếu hơn và để có được điều này, các nước phải chấp nhận yêu cầu kiểm soát từ bên ngoài đối với các chính sách tài khóa quốc gia. Nhờ vậy, họ sẽ tiến thêm một bước hướng tới liên minh chính trị. Đó thực sự là những nhãn hiệu như "chính phủ kinh tế" hay "hội nhập sâu hơn."

 

Vấn đề ở chỗ hầu hết các chính phủ không nhận được sự ủy quyền của các cử tri để đi theo hướng này. Do đó, các chính trị gia cần phải bắt đầu giải thích cho cử tri của họ lựa chọn giữa những gì mà họ phải đối mặt, và hậu quả của những sự lựa chọn đó.

 

Nếu các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết một mức độ hội nhập sâu hơn mức mà các cử tri muốn, phản ứng dữ dội từ cử tri có thể khiến EU tan rã - kết cục như vậy chính là điều mà họ đang cố gắng để né tránh./.