Giải ngân vốn trái phiếu tiếp tục chậm, Bộ Tài chính nói gì?

Giải ngân vốn trái phiếu tiếp tục chậm, Bộ Tài chính nói gì?

(ĐTCK) Chín tháng đầu năm nay, vốn trái phiếu chính phủ mới giải ngân được 3.500 tỷ đồng, tương đương 7% dự toán cả năm. Vì sao có sự chậm trễ kéo dài này và cách nào để khắc phục? Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt câu hỏi với ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, đến hết tháng 9/2017, lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu chính phủ đạt 148.179,7 tỷ đồng, bằng 80,8% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, cả nước mới giải ngân được 3.500 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ, tương đương 7% dự toán năm. Điều này có gây nên sự lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, dẫn đến một trong những hệ lụy là chưa có đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP, thưa ông?

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, qua đó nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, việc khắc phục sự chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Vì sao lại có sự chậm trễ kéo dài như vậy, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Thường thì đầu năm ,tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ chậm và chỉ diễn ra nhanh ở thời điểm cuối năm.

Giải ngân vốn trái phiếu tiếp tục chậm, Bộ Tài chính nói gì? ảnh 1

 Ông Lê Tuấn Anh

Tuy nhiên, ngoài lý do trên thì còn có nguyên nhân quan trọng khác liên quan đến thủ tục triển khai dự án. Cụ thể, bắt đầu từ năm 2015, cơ chế đầu tư đã có nhiều điểm mới tại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Theo đó, thủ tục ban đầu triển khai dự án thắt chặt hơn nhiều so với trước đây. Chẳng hạn, để triển khai một dự án mới, thủ tục đầu tư phải hoàn thành trước ngày 31/10 của năm trước; đồng thời, các thủ tục phải qua khâu thẩm định nguồn.

Liên quan đến phân cấp trong phê duyệt thiết kế dự án, trên cơ sở quy định của Luật Xây dựng mới, mức độ phân cấp giảm so với trước đây, nên thời gian hoàn thành thủ tục của dự án đầu tư kéo dài hơn.

Theo ông, cách nào để thúc đẩy tiến độ giải ngân từ nay đến hết năm?

Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là các giải pháp mạnh tại Nghị quyết 70/2017/NQ-CP nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn năm 2017; chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, dự án…

Với những giải pháp quyết liệt đang được Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cộng với yếu tố mùa vụ là thông thường vào quý IV sẽ giải ngân mạnh nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nên sắp tới tiến độ sẽ được đẩy nhanh. 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khắc phục tình trạng giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ chậm là cần, nhưng cấp thiết hơn là phải quyết liệt nâng cao hiệu quả và chất lượng sử dụng nguồn vốn này.

Giải ngân chậm, nhưng hiệu quả cao còn hơn là giải ngân nhanh mà kém hiệu quả, dẫn đến thất thoát, lãng phí. Bởi vậy, không nhất thiết chạy theo số lượng vốn giải ngân, mà điều quan trọng hơn là cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nói chung, vốn trái phiếu chính phủ nói riêng.

Một trong những giải pháp nên triển khai là cần chỉ đích danh các chủ đầu tư, các dự án không hiệu quả, thậm chí sử dụng vốn dàn trải, thất thoát, để người dân giám sát. Do hiện chưa chỉ ra được những dự án kém hiệu quả, cộng với vướng trần nợ công 65%, nên có những dự án tốt, nhưng không giải ngân được mặc dù có tiền, dẫn đến làm chậm tiến độ dự án, khiến cho đội vốn đầu tư cao hơn nhiều so với tổng mức phê duyệt ban đầu.

Tin bài liên quan