Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020?
Tôi cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay ít nhất đạt 2%. Bởi, nếu như 6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,82%, thì 9 tháng đầu năm đã tăng 2,12%, nhờ kinh tế phục hồi trở lại trong quý III với mức tăng 2,62%. Với đà này, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV năm nay sẽ cao hơn quý III và cả năm sẽ đạt trên 2%, có khả năng tăng 3% nếu điều kiện thuận lợi.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê). |
Thưa ông, cơ sở nào để đạt được mục tiêu này?
Thứ nhất, nhờ vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, đặc biệt của những mặt hàng thế mạnh như nông sản, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử…, qua đó thúc đẩy nền sản xuất đi lên nhờ kinh tế thế giới phục hồi. EVFTA có hiệu lực giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào châu Âu. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh cũng là tín hiệu tốt với kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, việc tái đàn lợn đang thực hiện khá tốt, do tạm thời kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi. Ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hoạt động chăn nuôi lợn phục hồi sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, nhiều loại cây ăn quả được mùa; giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định.
Thứ tư, ngành công nghiệp chế tạo tháng 9 tăng cao và có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV.
Thứ năm, nhân tố vô cùng quan trọng là giải ngân vốn đầu tư công đang “vào guồng” nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nên khả năng đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra sẽ kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác tăng trưởng và là động lực rất quan trọng để tăng trưởng GDP.
Cuối cùng là các hoạt động dịch vụ thị trường rất khả quan và có xu hướng tăng trưởng trở lại do người dân “lỏng tay” chi tiêu sau thời gian phải tạm hoãn hoặc hủy nhu cầu sử dụng dịch vụ do Covid-19.
Một trong những động lực của tăng trưởng GDP là công nghiệp chế biến, chế tạo, song tăng trưởng của ngành này 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,6%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vậy đâu sẽ là điểm tựa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thưa ông?
Với tốc độ tăng bình quân 10,96%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực tăng trưởng quan trọng. Trước những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, chế biến, chế tạo là ngành chịu thiệt hại nặng nề trong 9 tháng qua. Nhưng đáng mừng là, trong tháng 9, ngành này bật tăng và có xu hướng tăng trở lại trong quý IV.
Ngoài ra, nhìn vào bức tranh tăng trưởng quý III, có thể thấy, nhiều ngành dịch vụ đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, y tế... Một số ngành chuyển biến tích cực so với quý II như nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống...
Với kết quả này, dự báo tăng trưởng 3 tháng cuối năm sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2020 so với quý III/2020 lạc quan hơn khi có tới 81% số doanh nghiệp dự báo sẽ tốt lên và giữ ổn định
Đến thời điểm này, Việt Nam đã qua 3 tuần không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Đây là điều kiện tiên quyết để mở lại các đường bay quốc tế, trong nước theo các phương án an toàn, tạo động lực cho các ngành dịch vụ khác, như vận tải, du lịch, khách sạn - nhà hàng, nghệ thuật, vui chơi - giải trí...
Việt Nam là một trong số ít quốc gia chống Covid-19 hiệu quả nhất thế giới và đây là cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, GDP không thể tăng trưởng theo hình “chữ V” sau dịch, mà sẽ tăng trưởng như “dấu phẩy” như logo của Hãng giày thể thao NIKE, tức là tăng trưởng từ từ. Ông bình luận thế nào về nhận định này?
Gần đây, phát biểu tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi như lò xo nén sau dịch” như hình chữ V, chứ không phải chữ U và càng không phải chữ W. Mô hình tăng trưởng hình “chữ V” hàm ý việc phục hồi kinh tế sẽ nhanh tương đương với đà sụt giảm trước đó. Có thể hiểu, đây là mục tiêu tiên quyết Chính phủ đặt ra và quyết tâm đeo đuổi tới cùng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Jack Nguyễn (Công ty Kiểm toán và Tư vấn Mazars - Hoa Kỳ), thì kinh tế Việt Nam sẽ không phục hồi theo hình “chữ V”, mà là dấu phẩy lên, như logo của hãng Nike, vì ông cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Khi thị trường xuất khẩu chưa mở cửa, thì luồng tiền đổ vào Việt Nam qua đầu tư, thương mại quốc tế và du lịch quốc tế sẽ hạn chế, nên không thể tạo sức bật cho kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng.
Tôi cho rằng, nhận định này không sai, nhưng chưa thực đầy đủ. Ngay thời điểm Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy khởi đầu mục tiêu này khá khó khăn vì mọi hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, các dòng tài chính bị cắt đứt đột ngột…, nhưng dần dần, Việt Nam đã xoay xở tốt để thành công trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì phát triển kinh tế.
Rõ ràng, sức chống chịu các cú sốc kinh tế trong khủng hoảng của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng năm 2020 đạt 2,62% và 2,12%, dù thấp hơn kỳ vọng, nhưng cao hơn rất nhiều so với các mức giảm, tăng trưởng âm của nhiều nước trên thế giới.