Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã ký Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các quyết định ban hành các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư công (các sở, ngành trong tỉnh) với các ban quản lý dự án của tỉnh đang áp dụng gần 2 năm qua, theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh này.
Việc bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và các ban quản lý dự án của tỉnh sẽ giúp chủ đầu tư chủ động trong thực hiện dự án, góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư.
Tham mưu của Sở Xây dựng và việc ra quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang được thực hiện chỉ ngay sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, nhằm đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, diễn ra giữa tháng 7/2020.
Không chỉ Kiên Giang, mà các bộ, ngành, địa phương khác cũng được nhìn nhận là đã có nhiều cố gắng, chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, Chính phủ đã tổ chức hai Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (Hội nghị trước đó diễn ra ngày 16/7), cho thấy sự sốt sắng, quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ với hoạt động này. Số liệu tại Hội nghị cho thấy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Hưng Yên đạt hơn 91%, Nghệ An 75%, Ninh Bình 73%, Liên minh Hợp tác xã 100%, Ngân hàng Chính sách xã hội 99,47%, Bộ Nội vụ 62,85%... Nhiều địa phương chỉ đạt 20-30% trong tháng 5,6, nhưng đến hết tháng 8 đạt 60%.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đến ngày 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%. Nếu hơn 5% chênh lệch chưa lột tả hết được sự “chuyển biến tích cực” như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thì có lẽ, cần nhìn đến số liệu tuyệt đối. Năm 2019, dự toán chi đầu tư phát triển là 429.300 tỷ đồng, trong khi con số này của năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, tức là mức chênh lệch 5% nói trên tương đương khoảng 44.000 tỷ đồng.
Có thể nói, những thông điệp “rất thẳng thắn, chân tình, chứ không phải xuê xoa, dễ dãi” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại các hội nghị, cuộc họp đã được các địa phương trả lời. Quan điểm “anh nào làm tốt thì biểu dương, anh nào làm chậm thì phê phán, đấu tranh” của Thủ tướng đã thực sự tác động vào hoạt động điều hành tại các địa phương.
Đặc biệt, phần lớn các bộ, ngành, địa phương đều hứa, có quyết tâm giải ngân từ 95-100% vốn đầu tư công, trong đó bao gồm cả TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng - những địa phương có số vốn được giao rất lớn.
Chắc hẳn, sẽ có những hoài nghi về “quyết tâm chính trị” này, nhất là khi tỷ lệ phải thực hiện trong 4 tháng còn lại của năm 2020 lên tới 53%, chưa kể số vốn để lại của năm 2019 cũng được Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân hết, bằng cách tạo điều kiện cho phép gia hạn đến 31/12/2020 theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng, đó là tăng trưởng, là việc làm, là công trình, dự án, chậm giải ngân ngày nào, nền kinh tế thiệt hại ngày đó. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đã quán triệt phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương. Nếu không làm việc đó sẽ cương quyết có chế tài xử lý. Không thể tái diễn mãi tình trạng không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được.
Kỳ vọng, với chỉ đạo sát sao, quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương sẽ vượt qua “biến số” Covid-19 để “tiêu được tiền và tiêu có hiệu quả”.