Giải mã tuyên bố của Fed

Giải mã tuyên bố của Fed

(ĐTCK)  Sau cuộc họp định kỳ 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), Fed đã gây lúng túng cho cả thế giới về tuyên bố "nước đôi". Cần hiểu thông điệp của Fed thế nào?

Giải mã tuyên bố của Fed ảnh 1

FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thông báo được đưa ra vẫn không bao gồm một lịch trình rõ ràng nào, chỉ biết rằng, tạm thời thì Fed chưa bắt đầu cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng (QE) của mình.
Thông báo của Ngân hàng Trung ương cho thấy, cơ quan này vẫn chưa sẵn sàng đưa ra quyết định cuối cùng cho số phận của gói QE và chỉ phát đi tín hiệu le lói về khả năng sẽ bắt đầu thu hẹp gói QE sớm hơn dự báo của thị trường.

Vẫn những phát biểu cũ, Fed cho biết đang chờ thêm bằng chứng rõ ràng về việc nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt mà không cần sự trợ giúp từ cơ quan này. Trên thực tế, các thông số kỹ thuật đo được về nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn nhất quán, đặc biệt trong thời gian Chính phủ ngừng hoạt động. Tuy vậy, trong thông báo của mình, Fed không hề đề cập trực tiếp đến sự kiện này.

Thông báo nêu rõ, Fed duy trì đánh giá lạc quan về “sự cải thiện sức khỏe nền kinh tế”, cho dù Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi tiêu thời gian qua. Fed cho rằng, tình trạng việc làm đang cải thiện và cơ quan này tin rằng, lạm phát sẽ bật khỏi trạng thái lờ đờ như hiện nay.

Mặc dù vậy, cũng giống như cuộc họp hồi tháng 9, các quan chức Fed vẫn tỏ ra miễn cưỡng với phương án dừng gói kích thích. Do đó, trước mắt, Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ và các tài sản nợ có thế chấp mỗi tháng. Fed cũng tái khẳng định sẽ giữ lãi suất ngắn hạn gần bằng không đến hết sang năm, thậm chí cả trong năm 2015.

“Mặc dù ngân sách liên bang liên tục được cắt giảm những năm qua, Ủy ban vẫn nhận thấy sự cải thiện trong các hoạt động kinh tế và điều kiện việc làm”, FOMC nói. “Tuy nhiên, Ủy ban quyết định đợi thêm bằng chứng cho thấy sự cải thiện đó sẽ được duy trì bền vững trước khi điều chỉnh nhịp mua tài sản”.

Trước thông điệp nước đôi của Fed, một số nhà phân tích và nhà đầu tư đã tăng khả năng Ngân hàng Trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm gói QE trong tháng 12 tới, khi FOMC tổ chức cuộc họp cuối cùng của năm. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng, Fed nhiều khả năng sẽ đợi thêm dữ liệu đến mùa Xuân năm sau.

“Đây là một thông báo có hơi hướng hành động, nhưng nó không đủ mạnh để làm thay đổi quan điểm của chúng tôi về thời điểm bắt đầu thu lại gói QE, tháng 4 năm sau”, Michael Feroli, Kinh tế trưởng tại Mỹ của JPMorgan Chase viết trong thư gửi khách hàng.

Mùa Hè vừa qua, các quan chức Fed đã “tập” cho các nhà đầu tư làm quen với việc cơ quan này sẽ rút khỏi chiến dịch kích thích kinh tế trước khi kết thúc năm nay. Nhưng vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed đã thành công trong tạo ra tăng trưởng việc làm - căn cứ quan trọng cho hành động của Fed. Tỷ lệ người trưởng thành có việc làm vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp giảm là do có ít người tìm việc hơn.

Một số nhà phân tích nhận thấy rằng, Fed đã mô tả lạc quan về thị trường việc làm như thể đó là căn cứ đề cơ quan này sắp sửa rút lại gói kích thích. Nhưng mô tả đó “là không đúng và chúng tôi biết điều đó”, Eric Green, Giám đốc toàn cầu về nghiên cứu lãi suất của TD Securities nói.

Ông Geen cho biết thêm rằng, ông không nghĩ Fed sẽ bắt đầu giảm lưu lượng mua tài sản trước tháng 3/2014. Theo ông, chính Ngân hàng Trung ương cũng đang giấu nỗi băn khoăn của mình đằng sau những mô tả lạc quan.

Lạm phát hiện thấp hơn nhiều mức 2%/năm mà Fed lấy làm mục tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 1,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp cao và lạm phát thấp kéo dài đã khiến một vài quan chức Fed và giới bình luận bên ngoài đặt câu hỏi: liệu chương trình mua tài sản có thực sự tác dụng?.

“Với việc lợi ích mang lại từ gói nới lỏng định lượng cơ bản bằng không, hành động lập lờ của Fed nói nên sự ngập ngừng của cơ quan này đối với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng nhiều hơn, một việc mà ai cũng biết sẽ phải làm”, Kevin Brady, dân biểu đến từ Texas đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mỹ, nói trong một thông báo.

Quyết định hôm thứ Tư nhận được sự ủng hộ của 9/10 thành viên biểu quyết trong FOMC. L. George, Chủ tịch Fed ở Kansas City, người phản đối quyết định này trong tất cả các cuộc họp của năm nay, nhắc lại cảnh báo của bà rằng, chiến dịch của Fed gây rủi ro cho các thị trường tài chính vốn đang bất ổn và đang “cởi trói” cho lạm phát.