Giải mã lợi nhuận “khủng” của Viettel

Giải mã lợi nhuận “khủng” của Viettel

(ĐTCK) Là 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới, lợi nhuận “khủng” của Viettel được lãnh đạo tập đoàn này giải mã ở mấy chữ ngắn gọn: Đó là luôn nghĩ khác và lao động hết mình.

Với tác phong dứt khoát của một lãnh đạo doanh nghiệp nhà binh, tại diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các tập đoàn, tổng công ty đầu năm, ông Hoàng Anh Xuân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với vỏn vẹn 7 phút đã nói trúng nhiều vấn đề. 

Giải mã lợi nhuận “khủng” của Viettel ảnh 13,5 triệu là con số thuê bao mới được Viettel phát triển trong năm 2012

Viettel khẳng định họ là doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) lớn nhất Việt Nam trên tất cả các mặt. Những con số ấn tượng năm 2012 theo lời ông Xuân đã chứng minh điều đó, Tập đoàn đạt doanh thu 141.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5%; lợi nhuận đạt 27.500 tỷ đồng, tăng gần 40%. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 40%. Nộp ngân sách nhà nước: 11.400 tỷ đồng, tăng 23%. Táo bạo và có tầm nhìn xa, chiến lược đi 2 chân đã giúp Viettel vững vàng tiến tới.

 

Nội công

Năm 2011, Viettel đã phát triển được thêm 8 triệu thuê bao di động mới (phát sinh cước thực). Năm 2012, mặc dù thị trường viễn thông được nhận định là đã bão hòa, Viettel vẫn phát triển được 3,5 triệu thuê bao mới, trong đó có chuyển đổi 1 triệu thuê bao EVN Telecom vào mạng Viettel. Chiến lược “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, tấn công vào các phân khúc khách hàng đa dạng, từ nông thôn tới thành thị, tập trung đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, phục vụ những nhu cầu đặc thù của từng nhóm khách hàng riêng như gói cước cho ngư dân SEA+, gói cước 3G không giới hạn MiMax, giảm 70% cước dịch vụ Internet  áp dụng cho 400 thư viện công cộng… giúp Viettel thường xuất hiện ở top đầu trong bảng lựa chọn dịch vụ của các nhà mạng theo khảo sát của Tạp chí Itcpress.

Bên cạnh “bình dân hóa dịch vụ viễn thông” mở rộng địa bàn để gia tăng thị phần và  thu hút khách hàng chuyển thuê bao, Viettel đẩy mạnh thực hiện mục tiêu “bình dân hóa CNTT”, đưa ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách của đời sống. Đơn cử như việc bắt tay với các ngân hàng cung cấp dịch vụ liên quan đến thanh toán, tiền tệ, bắt tay với Vinamilk triển khai hệ thống bán hàng và giám sát bán hàng tự động…

Âm thầm song không kém phần hiệu quả, Viettel đã tự thiết kế, chế tạo và sản xuất được 10 loại thiết bị điện tử viễn thông Made In Vietnam, trong đó có nhiều thiết bị quân sự.  Ông Hoàng Anh Xuân nói về cách Viettel làm thiết bị, “nếu sản xuất đại trà như hàng Trung Quốc thì chỉ có thua. Chúng tôi sản xuất điện thoại đơn giản, chỉ có 3-4 nút, phù hợp với nông dân và những người đơn giản, kết quả, hàng bán chạy và họ rất ưa chuộng. Đó là khe cửa để chúng tôi lách vào”.

 

Ngoại kích

 Song đầu tư ra nước ngoài mới là con át chủ bài của tập đoàn này trong vài năm tới. Số liệu của Viettel cho thấy, hiện nay, họ đang đầu tư và kinh doanh tại 7 nước gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Haiti, Mozambique, Peru, Cameroon (3 nước châu Á, 2 nước châu Phi và 2 nước châu Mỹ, những khu vực đang phát triển và rất đông dân số). 4 nước họ có mặt đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là 10 triệu. Ở thị trường nào, chiến lược của Viettel cũng phải là người đứng đầu hoặc ít nhất cũng phải Top 2, Top 3.

Tương tự thị trường viễn thông Việt Nam 2-3 năm trước là “con gà đẻ trứng vàng”, tỷ suất lợi nhuận ở các thị trường đang phát triển rất lớn. Ông Xuân cho biết, năm 2009, Viettel đầu tư 40 triệu USD sang Campuchia, hết năm 2013, Chi nhánh Campuchia sẽ trả hết nợ vay ngân hàng, khấu hao xong 45.000 tỷ đồng và mạng viễn thông tại đây hoàn toàn trở thành tài sản của Viettel. Thị trường Lào tương tự. Tại Mozambique , tập đoàn này khai trương mạng di động vào tháng 5/2012 thì cuối năm đã có lãi, dự kiến 3 năm sẽ khấu hao xong và trả hết nợ vay ngân hàng.  Năm 2012, chiến lược “vươn ra biển lớn” đã đem lại doanh thu gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%; Lợi nhuận mang về nước 84 triệu USD, tăng trưởng 85% cho nhà mạng. Năm 2013, theo lời ông Xuân, tập đoàn này dự kiến chuyển lợi nhuận về nước 150 triệu USD.

Trong chiến lược dài hơi của mình, Viettel xác định đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, để từ sau năm 2015, thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn trong nước với khoảng 400-500 triệu dân và tiến tới 1 tỷ dân vào năm 2020. Mũi tên bắn ra, Viettel nhắm đến nhiều đích: Doanh thu và lợi nhuận về dịch vụ viễn thông chỉ là một, tiềm năng hơn, đây sẽ là thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho sản xuất thiết bị giai đoạn đầu.

“Chúng tôi tập trung đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của Viettel  đó là viễn thông. Tuy nhiên, đây là những bước đi ban đầu để tạo cơ sở đầu tư cho các lĩnh vực khác như thị trường thiết bị đầu cuối, thị trường dịch vụ nội dung, truyền hình cáp …”, ông Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ với báo chí.

Tại Hội nghị trên, Chủ tịch Viettel đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Ông Xuân bảo, ở nhiều thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp đã mua hết giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đó, giờ nhà mạng Việt Nam muốn tham gia khai thác, phải mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp của họ. Cuộc chinh chiến ở các thị trường xa của Viettel đang bị tắc ở đây vì Việt Nam thiếu khung pháp lý.

 

Dùng người kiểu “nhà binh”

Hiện Viettel có hơn 25.000 cán bộ, năng suất lao động bình quân tại tập đoàn này là 4,7 tỷ đồng/người/năm. Trong làng viễn thông, CNTT, nhiều người cho rằng Viettel có chiến lược dùng người khắc nghiệt và thường “vắt chanh, bỏ vỏ” . Ví dụ chẳng ở đâu xa, hồi đầu năm, không ít nhân sự trong số hơn 1.500 người EVNTelecom kể rằng, sau khi Công ty sáp nhập vào Viettel, họ phải đi tỉnh làm việc và phải trải qua nhiều “thử thách” khắc nghiệt đến nỗi buộc phải chọn cách nghỉ việc.

Tuy nhiên, với lãnh đạo Viettel, cách dùng người lại được nhìn nhận ở khía cạnh khác. Một lãnh đạo Tập đoàn cho hay, ở cấp quản lý bậc trung, những thông lệ bổ nhiệm kiểu “sống lâu lên lão làng” không có chỗ. Nhân sự trong Tập đoàn thường xuyên có sự luân chuyển, thường xuyên phải trải qua các kỳ thi cử. “Chúng tôi chủ trương giao việc khó cho người trẻ, việc đáng 10 người thì chỉ dùng 8 người. Cán bộ quản lý của Viettel có đến 70% là người trẻ. Cách làm này đem lại lợi ích cho người lao động. Khi giao cho họ việc khó và kiểm tra liên tục, sẽ khiến họ phải vận động và giúp họ trưởng thành hơn so với chính mình”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Khác biệt với những thương hiệu viễn thông hàng đầu thế giới khác, khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel mang theo hàng trăm nhân viên Việt Nam trong giai đoạn đầu. Những nhân tố nòng cốt, thạo nghề và nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” ở các thị trường nước ngoài đã tìm tòi, sáng tạo ra những giải pháp chuyên biệt giải những bài toán khó thường xuyên phát sinh.

Thừa nhận cách dùng người khắc nghiệt nhưng lãnh đạo Vietel cho rằng, chế độ đãi ngộ của Tập đoàn rất thỏa đáng. Thu nhập bình quân người lao động năm 2012 tại đây tăng 24%, đơn cử ngay nhân viên bưu chính Viettel có thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Viettel còn được chủ động áp dụng chế độ “chiêu hiền, đãi sĩ”. Ông Xuân kể, Tập đoàn đã thu hút được 24 tiến sỹ đã từng làm việc cho các đế chế lớn ở nước ngoài về đầu quân, với cơ chế lương chuyên gia.  Đây sẽ là nhân sự nòng cốt nghiên cứu phát triển, thiết kế, chế tạo, sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông Made In Vietnam . Đây là hướng mới của Viettel, được coi là một trụ cột chiến lược quan trọng đã được khởi động từ 2 năm nay.

Là 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới, lợi nhuận “khủng” của Viettel được lãnh đạo tập đoàn này giải mã ở mấy chữ ngắn gọn: Đó là luôn nghĩ khác (không tư duy theo lối mòn và không tư duy theo cách mà nhiều người khác nghĩ) và lao động hết mình.