Giải mã danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC

Giải mã danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC

(ĐTCK) Thị trường khá bất ngờ với danh mục đầu tư của SCIC theo Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/12 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chỉ giữ vốn tại 28 doanh nghiệp

Điều bất ngờ đầu tiên là số lượng doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) duy trì đầu tư giảm mạnh, chỉ còn 28 doanh nghiệp so với tổng số đang đầu tư là 404 doanh nghiệp.

Trong đó, SCIC chỉ đầu tư, nắm giữ vốn dài hạn tại 4 doanh nghiệp là: CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) và CTCP Viễn thông FPT.

Đây là những doanh nghiệp được ví như “gà đẻ trứng vàng” cho SCIC, bởi hàng năm đem lại cho Tổng công ty khoản cổ tức hàng nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể do thị giá các cổ phiếu này tăng đều đặn trong nhiều năm qua, làm cho giá trị danh mục đầu tư của SCIC cũng tăng ấn tượng.

Nếu như SCIC tiếp tục duy trì vốn đầu tư tại 4 doanh nghiệp kinh doanh rất hiệu quả nói trên là điều không khó hiểu, thì việc SCIC vẫn nắm cổ phần, vốn góp chi phối tại 24 doanh nghiệp còn lại được giới đầu tư nhìn nhận là khá bất ngờ.

Lý do là bởi, trong số này, ngoại trừ Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) khá quen thuộc với thị trường và có tiềm năng kinh doanh hiệu quả, thì 23 doanh nghiệp còn lại hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết, kém minh bạch thông tin, nên khó đánh giá được hiệu quả đầu tư.

Hầu hết trong số này là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng và quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sông; cảng…

Một điểm bất ngờ khác trong Đề án Tái cơ cấu, là đặt mục tiêu trong 2 năm tới, SCIC phải thoái vốn tại 376 doanh nghiệp. Trong số này, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh chẳng mấy ấn tượng.

Do đó, việc SCIC thoái vốn tại các doanh nghiệp này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bất ngờ ở chỗ, có hàng chục doanh nghiệp niêm yết lớn đang kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn cho SCIC như: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP FPT, CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) (xem thêm bảng thống kê).

Kế hoạch thoái vốn của SCIC vẫn được công bố đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, để thoái vốn thành công, nhất là tại các doanh nghiệp hiệu quả thấp, lâu nay luôn là bài toán đau đầu với Tổng công ty.

Nói cách khác, với quy định hiện hành là thoái vốn phải bảo toàn vốn nhà nước, SCIC gần như bế tắc trong bán vốn tại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được tháo gỡ kể từ ngày 20/12 tới, khi Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC có hiệu lực.

Theo quy định mới, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai, nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá, thì SCIC được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá, để đấu giá bán nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp…

Với diễn biến này, nhiều khả năng hoạt động bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp niêm yết sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Với việc nhiều cổ phiếu trong diện SCIC sẽ thoái vốn đã cạn room cho khối ngoại như: FPT, DHG, BMP…, nếu dự thảo quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam sớm được phê duyệt và có hiệu lực, hứa hẹn sẽ gia tăng thanh khoản cho TTCK. Qua đó, giúp thị trường thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn.

 

Thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn để tăng thu

Quay trở lại câu chuyện danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đơn vị tham gia vào quá trình hoàn thiện Đề án tái cơ cấu SCIC cho hay, 23 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng và quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sông; cảng…, hiện là các doanh nghiệp mang tính công ích, trải đều trên khắp các tỉnh, nên trước mắt SCIC phải tiếp tục đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Khi giải thích tại sao SCIC sẽ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã cạn room cho khối ngoại, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết, có hai lý do.

Thứ nhất, sau khi nhận bàn giao các doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương, trong định hướng hoạt động của mình, SCIC sẽ tái cơ cấu, để khi thị trường thuận lợi sẽ thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, để góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhưng Nhà nước không cần tiếp tục nắm cổ phần là phù hợp với chiến lược hoạt động của SCIC, cũng như định hướng đầu tư của Nhà nước.

Hơn nữa, điều này còn góp phần gia tăng nguồn hàng hóa có chất lượng cho TTCK, đáp ứng đòi hỏi của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài khi Chính phủ đang xem xét nới room sở hữu cổ phần cho khối ngoại.

>> SCIC được bật đèn xanh "cắt lỗ"

>> Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC

>> SCIC với nguy cơ "lệch pha" trên TTCK