Đi ngang sau nhịp tăng hưng phấn đầu năm
Thị trường có nhịp tăng đầu Xuân 2022 khi dòng tiền quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, bởi tâm lý của nhiều nhà đầu tư là giải ngân vào đầu năm mới, giống như một khởi đầu mới. Tuy nhiên, sau vài phiên hưng phấn, đà tăng đã dừng lại, thị trường có những phiên tăng giảm đan xen.
Theo một số nhà đầu tư, rủi ro từ bên ngoài như biến động địa chính trị giữa Nga và Ukraine không khiến họ lo ngại. Họ cho rằng, chiến tranh kéo theo những biến động kinh tế tác động tới các mặt hàng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu như dầu khí, thép, phân bón, ngũ cốc… sẽ khó có thể xảy ra, nhất là khi các quốc gia đang phải đối phó với tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả neo ở mức cao.
Một số biến động vĩ mô ngắn hạn trong nước như nợ quá hạn tăng thúc đẩy lãi suất huy động qua đêm tăng, nợ xấu có thể sẽ ảnh hưởng hoạt động ngân hàng và giá bất động sản… không phải những yếu tố đột biến để tác động mạnh đến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, bối cảnh đó khiến thị trường thiếu động lực hỗ trợ. Việc VN-Index đi ngang trong tuần qua là điều dễ hiểu, trong khi động thái bán chốt lời ngắn hạn ảnh hưởng đến tâm lý bên mua. Đáng lưu ý, giai đoạn hiện tại giống như thời điểm tháng 2, 3 năm ngoái. Khi đó, thị trường có một nhịp giảm mạnh vào tháng 1 rồi hồi phục, nhưng mất đến 2 tháng tích luỹ trước khi chinh phục những cột mốc cao hơn. Có thể ví von, một vết thương lớn cần thời gian dài để có thể lành lặn từ từ.
Diễn biến VN-Index trong 1 năm qua. |
Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là lạm phát, thị trường thế giới điều chỉnh, điều này có ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam hay không?
Câu trả lời dự kiến là không nhiều, thị trường có thể đi ngang tích luỹ trong quý I, VN-Index sẽ cân bằng quanh mức 1.450 điểm, ngay cả khi có những nhịp điều chỉnh ngắn xuất hiện.
Thực tế, tại nhiều thị trường phát triển, chỉ số chứng khoán có những thời điểm giảm mạnh, nhưng nhanh chóng hồi phục. Lạm phát có thể là chất xúc tác để cổ phiếu tăng, vì nhiều hàng hoá từ thiết yếu đến nguyên liệu đầu vào hiện có giá cao gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có những mặt hàng tăng gấp đôi.
Vì vậy, để tiền không mất giá, người dân buộc phải đem đi đầu tư, trong đó, chứng khoán và bất động sản được nhìn nhận vẫn là những kênh thu hút dòng tiền mạnh mẽ.
Trong nước, lạm phát do cầu yếu và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 yếu dần, nhưng vẫn hiện hữu. Giải pháp thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất tiền gửi khó có thể được áp dụng ngay. Đặc biệt, dữ liệu quá khứ cho thấy, giải quyết vấn đề về lạm phát có độ trễ nhất định, thường từ 1 - 3 quý kể từ thời điểm bắt đầu tăng lãi suất. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn đang có những cơ hội để đầu tư.
Lựa chọn nhóm ngành đầu tư
Tuần qua, thị trường thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt, chưa hình thành những nhóm ngành có xu hướng tăng nổi trội. Các nhóm dầu khí, ngân hàng, thép, bất động sản “xanh đỏ” đan xen.
Ở góc nhìn kỹ thuật, VN-Index diễn biến khá sát lý thuyết, khoảng trống (gap) hình thành quanh 1.482 điểm ngày 14/2/2022. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này không lớn do các cổ phiếu trụ giảm cục bộ, bao gồm VIC. Dự báo, vùng giảm tối đa của chỉ số là quanh 1.450 điểm, còn ngưỡng kháng cự ngắn hạn tại 1.532 điểm, thậm chí mức 1.590 điểm vẫn có thể kỳ vọng.
Điểm cần lưu ý là dòng tiền chịu tác động không nhỏ bởi dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao. Thị trường với margin cao thường ẩn chứa rủi ro điều chỉnh nhanh và bất ngờ, dù chỉ số vẫn trong xu hướng tăng.
Vì vậy, câu chuyện của từng cổ phiếu sẽ trở thành động lực chính của thị trường, nhất là khi thuộc các nhóm được nhìn nhận có tiềm năng như đầu tư công, bất động sản, bán lẻ, ngân hàng, khu công nghiệp, dầu khí, du lịch, xuất khẩu.
Một số nhóm mà nhà đầu tư có thể quan sát, tiến hành mua khi thị trường có nhịp điều chỉnh là nhóm hàng hoá (trong bối cảnh lạm phát tăng, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao giá hàng hoá thế giới để kịp thời mua bán), nhóm đạm (kỳ vọng sóng hồi), nhóm thép, dầu khí (điều kiện nắm giữ là giá dầu duy trì trên mức 90 USD/thùng), nhóm ngân hàng.
Nhiều nhà đầu tư thường nhìn vào quá khứ của cổ phiếu, thấy xấu hoặc giá giảm thì bỏ qua, mà không đánh giá kỹ triển vọng. Đến khi cổ phiếu đó bật tăng thì quay lại giải ngân, lúc đó cơ hội không còn nhiều. Do đó, nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh cũng đáng để xem xét đầu tư, ngoại trừ nội tại và triển vọng doanh nghiệp quá xấu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu đã lấy lại vùng đỉnh từ thời điểm trước Tết. Nhịp điều chỉnh trong giai đoạn hiện tại có khả năng chỉ làm chững lại quá trình tăng, chứ khó có thể làm thay đổi xu hướng giá. Ngược lại, thận trọng khi mua những cổ phiếu đã tăng giá mạnh ở giai đoạn quý IV năm ngoái, đồng thời xác định sẽ lướt sóng, thay vì kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trong ngắn hạn, nếu VN-Index không thể vượt mức 1.511 điểm (đỉnh cũ) để tiến lên 1.535 điểm, chiến lược nên được áp dụng là bán ra cổ phiếu, chốt lời dần trong các phiên tăng điểm và chờ đợi để mua được ở vùng giá thấp hơn.
Lựa chọn hàng khó hơn thì cũng cần nhìn dài hơi hơn, lựa nhóm ngành chuẩn hơn, không nên mua bừa rồi đặt cược vào may mắn.