Đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước là chức năng quan trọng của Kiểm toán Nhà nước.

Đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước là chức năng quan trọng của Kiểm toán Nhà nước.

Giai đoạn 2026 - 2030 kiểm toán hằng năm báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Lưu ý từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Theo kết luận phiên họp thứ 47 (tháng 8/2020) vừa được ban hành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, song lưu ý một số vấn đề cụ thể.

Như, chia Chiến lược thành 2 giai đoạn (2021-2025 và 2026-2030), làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong từng giai đoạn, trong đó phấn đấu giai đoạn 2026-2030 sẽ kiểm toán hằng năm đối với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, như BaoDautu.vn đã thông tin, tại Chiến lược, Kiểm toán nhà nước đề ra mục tiêu thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra Chiến lược này (Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng mục tiêu như vậy là chưa phù hợp, chưa bám sát với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước.

Cơ quan thẩm tra phân tích, mặc dù hiện nay việc kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) còn khó khăn về nhân lực và tiến độ thực hiện, nhưng đây là chức năng quan trọng, riêng có của Kiểm toán nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa mục tiêu này đã được đề ra trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2010-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2015 sẽ kiểm toán thường xuyên hàng năm hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách quận, huyện.

Vì vậy, theo cơ quan thẩm tra, Kiểm toán nhà nước cần phấn đấu thực hiện mục tiêu cho thời gian dài (10 năm) tiến tới kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) đối với báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hoàn thiện chức năng đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 9 Luật Kiểm toán nhà nước với mục tiêu cuối cùng là đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.

Ngoài nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn đề nghị   mục tiêu tổng quát cần bổ sung “Kiểm toán nhà nước phải góp phần nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính công, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030”.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng Thống nhất việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Việc nâng cấp cụ thể cần tuân thủ các các quy định hiện hành và khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Tán thành biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 là không quá 2.700 người. Việc tăng biên chế ở mỗi giai đoạn phải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể, kết luận nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký phát hành.

Tin bài liên quan