Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh: 4.500 tỷ đồng vẫn “mất tích”

(ĐTCK) Kết luận điều tra bổ sung giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh cho thấy, không thể bóc tách chi tiết việc sử dụng 4.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng - VNCB (nay là CB Bank). Tuy nhiên, vẫn có thể xác định số tiền này đã được chuyển về VNCB để phục vụ cho đợt tăng vốn điều lệ bất thành năm 2013.

Mịt mù số tiền 4.500 tỷ đồng

Sau vụ án gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại VNCB (giai đoạn 1), bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) tiếp tục bị truy tố trong vụ án gây thiệt hại 6.100 tỷ đồng cho ngân hàng này (giai đoạn 2). Tháng 2/2018, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 ra xét xử. Tuy nhiên, sau 1 tháng mở phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung.

Theo cáo buộc, bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền gửi của VNCB để làm tài sản bảo đảm cho 29 công ty vay tiền tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Sau đó các công ty này đã không trả nợ, các ngân hàng đã tất toán tiền gửi để thu hồi nợ. Việc này gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB.

29 công ty này đều là các công ty do Phạm Công Danh mượn pháp nhân hoặc trực tiếp lập ra. Trong đó, tại BIDV, có 12 công ty được cấp tín dụng và giải ngân với số tiền 4.700 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là tiền gửi 3.070 tỷ đồng của VNCB tại BIDV. Khoản tiền này đã được BIDV xử lý để thu hồi nợ.

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 29/10/2013 đến ngày 28/11/2013, số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV giải ngân vào tài khoản của 4 công ty. Các công ty này chuyển tiền đến tài khoản của 19 cá nhân. Các cá nhân này rút tiền mặt và chuyển vào tài khoản 3 công ty khác để sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2/2018, việc tìm tung tích số tiền 4.700 tỷ đồng đã được các luật sư đưa ra. Được biết, 4.500 tỷ đồng đã được chuyển tới VNCB để chuẩn bị cho đợt tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận cho VNCB tăng vốn, mà ban hành quyết định mua bắt buộc đối với ngân hàng này. Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng không thể trả lời được khoản tiền này đang ở đâu, mà chỉ nêu chung chung số tiền đã hòa vào dòng tiền của VNCB.

Trong khi đó, các luật sư cho rằng, đây là số tiền các cổ đông chuyển vào VNCB với mục đích góp vốn khi ngân hàng này tiến hành tăng vốn điều lệ. Sau khi không tăng được vốn, số tiền các cổ đông cá nhân và pháp nhân khác chuyển vào VNCB (4.500 tỷ đồng) không được xem là vốn điều lệ, nhưng cũng không được trả lại cho các bên góp vốn. Sau đó, chính VNCB cũng không thực hiện theo dõi số liệu tại Ngân hàng. Nếu không tăng vốn điều lệ thì VNCB phải trả lại số tiền này cho phía góp vốn, cộng với lãi từ đó đến nay.

Để làm rõ nội dung này, tòa cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ tại thời điểm Phạm Công Danh bị khởi tố, bắt tạm giam, VNCB có bao nhiêu tiền, là những khoản tiền gì, đang ở đâu, nợ phải thu - phải trả bao nhiêu..., từ đó làm rõ khoản tiền 4.500 tỷ đồng được VNCB sử dụng như thế nào, có còn ở VNCB hay không, được hạch toán, sử dụng ra sao?

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã làm việc với VNCB để làm rõ các vấn đề trên. Theo đó, tại ngày 26/7/2014, VNCB có số dư khả dụng là 6.300 tỷ đồng, bao gồm 170 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tiền gửi và vàng tại các tổ chức tín dụng khác (trong đó có cả 1.835 tỷ đồng tại Sacombank và 1.727 tỷ đồng tại TPBank - vốn đã bị các ngân hàng này tất toán để thu hồi nợ tại các công ty của Phạm Công Danh).

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là, trước đó, vào đầu ngày 14/2/2014, VNCB có lượng tiền mặt, tiền gửi tổng cộng là 13.915 tỷ đồng, bao gồm cả 3 khoản tiền gửi tại Sacombank, BIDV, TPBank đang bị truy cứu trong vụ án này.

Như vậy, trong thời gian từ 14/2/2014 đến 26/7/2014, số dư khả dụng của VNCB đã giảm 7.600 tỷ đồng và số tiền này được sử dụng cho nhiều mục đích. Bản Kết luận điều tra bổ sung xác định, số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB và không thể bóc tách chi tiết sử dụng như thế nào.

Cũng theo Kết luận điều tra bổ sung, ngày 5/3/2015, VNCB đổi tên thành CB Bank - ngân hàng 100% vốn nhà nước. Sau đó, CB Bank có xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó, CB Bank chưa thể xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền này.

CB Bank cho biết, sẽ chờ kết quả xét xử của vụ án và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng.

Sacombank, TPBank, BIDV thu hồi nợ có đúng luật?

Một trong những nội dung quan trọng được tòa án yêu cầu điều tra bổ sung là các vấn đề xung quanh việc thu hồi nợ của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Được biết, sau khi mua lại cổ phần với tỷ lệ chi phối tại Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh (lúc này đang là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Đại hội đồng cổ đông và ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng - VNCB).

Do VNCB đang bị kiểm soát đặc biệt nên mọi khoản chi từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải thông qua Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, do Phạm Công Danh vừa là Chủ tịch HĐQT VNCB, vừa là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh cũng như một số công ty liên quan khác, VNCB không thể cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Để giải quyết hạn chế này, Phạm Công Danh đã sử dụng tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank để làm tài sản bảo đảm cho các công ty của Danh vay tiền.

Cụ thể, tại Sacombank, có 6 công ty của Phạm Công Danh được vay 1.800 tỷ đồng. Do các công ty này không trả nợ đúng hạn nên Sacombank đã xử lý tiền gửi của VNCB để thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay 35 tỷ đồng. Tại TPBank, ngân hàng này đã giải ngân cho 11 công ty số tiền 1.666,8 tỷ đồng và sau đó đã xử lý tiền gửi 1.706 tỷ đồng của VNCB để thu hồi nợ. Tương tự, BIDV đã cấp tín dụng và giải ngân cho 12 công ty với số tiền 4.700 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là tiền gửi 3.070 tỷ đồng của VNCB tại BIDV và khoản tiền này đã được BIDV xử lý để thu hồi nợ.

Trong quá trình xét xử, VNCB đã đề nghị tòa án thu hồi 3 khoản tiền nói trên để khắc phục hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, cả 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV cùng đưa ra những quan điểm, lý lẽ để chứng minh việc thu hồi nợ của mình là đúng pháp luật, không có căn cứ để trả lại.

Tòa án đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ vấn đề này, cũng như các mâu thuẫn trong Kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Kết luận giám định khẳng định việc 3 ngân hàng thỏa thuận với VNCB nhận tiền gửi để đảm bảo cho 29 công ty vay tiền là đúng, việc thu hồi nợ là đúng. Tuy nhiên, Kết luận giám định cũng xác định, 3 ngân hàng có nhiều vi phạm khi cho vay.

Để làm rõ căn cứ kết luận vật chứng của vụ án là những khoản tiền nào và có căn cứ thu hồi khoản tiền hơn 6.100 tỷ đồng được xác định thiệt hại của vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã làm việc và có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ kết luận giám định nói trên.

Theo văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước, các hợp đồng cho vay của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV đối với 29 công ty có đủ hiệu lực pháp lý. Ngân hàng Nhà nước xác định về đối tượng cho vay, mục đích vay vốn đều phù hợp với quy định, không thuộc trường hợp cấm.

Tuy nhiên, việc cho vay của 3 ngân hàng có nhiều vi phạm. Chẳng hạn, TPBank cho vay khi không có đủ hồ sơ tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính, phương án sản xuất - kinh doanh là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay. TPBank cũng không kiểm tra sau cho vay, không ký phụ lục để sửa đổi Hợp đồng tín dụng theo đúng thỏa thuận với doanh nghiệp… Tại Sacombank và BIDV đều có sai phạm tương tự. Dù vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, đây là các vi phạm trong khâu thẩm định, bảo đảm tiền vay, kiểm tra, giám sát khoản vay, không làm mất đi hiệu lực hợp đồng cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cũng xác định, các hợp đồng bảo lãnh, cầm cố của VNCB có vi phạm. Cụ thể, các hợp đồng này chỉ có chữ ký của Phan Thành Mai, người đại diện theo pháp luật của VNCB, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh. Điều này là trái với quy định tại Thông thư 28/2012/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, cơ quan này viện dẫn thêm Bộ luật Dân sự, trong đó quy định rằng, đại diện là một người, pháp nhân, tổ chức có thể xác lập các giao dịch thông qua người đại diện.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp có sự khác biệt giữa Bộ luật Dân sự và các quy định chuyên ngành thì phải áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn, tức là áp dụng Bộ luật Dân sự. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dù các hợp đồng bảo lãnh, cầm cố không tuân thủ Thông tư 28/2012 thì vẫn có hiệu lực pháp luật. Trên cơ sở các hợp đồng bảo lãnh, cầm cố có hiệu lực pháp luật, việc thu hồi nợ - xử lý tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng là có cơ sở pháp lý.

Tin bài liên quan