Vietnam Airlines dự kiến năm nay lỗ trên 15.000 tỷ đồng vì đại dịch Covid-19.

Vietnam Airlines dự kiến năm nay lỗ trên 15.000 tỷ đồng vì đại dịch Covid-19.

Giải cứu Vietnam Airlines: Chờ đường hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) SCIC sẵn tiền "giải cứu" Vietnam Airlines, nhưng vẫn đang chờ tín hiệu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp

Tại Hội thảo khoa học: “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững” ngày 12/10/2020, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines một lần nữa nhấn mạnh đề xuất hỗ trợ trực tiếp 12.000 tỷ đồng thông qua việc đầu tư từ Nhà nước với vai trò chủ sở hữu của Vietnam Airlines nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, trong đó vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% và thực hiện tăng vốn 8.000 tỷ đồng.

“Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vietnam Airlines nên doanh nghiệp dự kiến mức lỗ trên 15.000 tỷ đồng và nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Vì vậy, một lần nữa Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp”, ông Hòa nói.

Tất cả bộ máy Vietnam Airlines đã dốc toàn lực để gắng gượng vượt qua khủng hoảng, song tình hình vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Cùng với kiến nghị đầu tư vốn, Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay, đồng thời cải thiện hiệu suất bay của ngành hàng không nói chung.

Các đề xuất tập trung vào việc điều tiết quy mô và tốc độ tăng trưởng của các hãng hàng không phù hợp với thị trường và hạ tầng sân bay để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng như sức khỏe các hãng hàng không; quản lý, phân bổ giờ cất hạ cánh, chỗ đỗ tại các sân bay; việc cấp phép bay, quản lý giá dịch vụ vận tải hàng không, giảm phí nhiên liệu; điều chỉnh phương thức quản lý của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp linh hoạt nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa mọi cơ hội, nguồn lực để phục hồi.

SCIC rót vốn khả thi đến đâu?

Từ vài tháng trước, các phương án tái cấu trúc nhằm vực dậy Vietnam Airlines đã được trao đổi. Giải pháp theo nhiều tầng nấc, giai đoạn, phối hợp đồng bộ tăng vốn, đi vay trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, kể cả bán tài sản để thu hồi vốn, đàm phán khoanh nợ, tái cấu trúc nợ nhằm tập trung vực dậy mảng cốt lõi.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi đó là ông Nguyễn Đức Chi (ông Chi vừa nhận nhiệm vụ mới tại Kho bạc Nhà nước) tỏ ra trăn trở với thương vụ đầu tư mang sứ mệnh giải cứu đặc biệt này, kỳ vọng được tham gia vào gói giải pháp với tư cách cổ đông khi Vietnam Airlines tăng vốn.

Với tiềm lực và dòng vốn dồi dào sẵn có, ngay khi SCIC và Vietnam Airlines thống nhất đề xuất trình phương án lên các cấp có thẩm quyền, mọi chuyện không dễ.

Theo ông Chi, việc giải ngân 13.000 - 16.000 tỷ đồng/năm là khả thi, song với điều kiện tiên quyết là SCIC phải có chiến lược được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Khi có chiến lược thì chúng tôi mới biết được đầu tư vào đâu. Hơn nữa, văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng phải được mở ra cho SCIC. Nếu chỉ giữ 4 nhóm ngành nghề theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì SCIC không thể, vì không có quyền đầu tư”, ông Chi lý giải.

Nguyên lãnh đạo SCIC e ngại như vậy, song ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, SCIC có thể đầu tư vốn trực tiếp vào Vietnam Airlines.

“Nguồn vốn của SCIC dự kiến đầu tư vào Vietnam Airlines không phải là vốn ngân sách nhà nước. Mặc khác, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là công ty mẹ của SCIC và Vietnam Airlines, mà chỉ là cơ quan quản lý vốn. Nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines thì khoản đầu tư này không phải là đầu tư giữa các công ty con trong cùng tập đoàn”, ông Trung phân tích.

Vì vậy, SCIC đầu tư trực tiếp vào Vietnam Airlines là khả thi về mặt pháp lý, bởi SCIC với tư cách là nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp có quyền đề xuất để thực hiện phương án này khi thấy có cơ hội đầu tư.

Việc này cũng phù hợp với Điều lệ được ban hành kèm theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP, cho phép SCIC được quyền lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, có khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật, với mục tiêu kinh doanh được xác định rõ và bảo toàn, phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Cũng có ý kiến đề xuất giải pháp chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang SCIC.

Nguyên Chủ tịch SCIC khi nói về đề xuất này cách đây 4 tháng đã khẳng định, chỉ cần Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển cổ phần nhà nước tại Vietnam Airlines sang SCIC, khi đó SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Vietnam Airlines thì kiểu gì cũng phải cứu, vì đó là trách nhiệm và cũng thuộc thẩm quyền.

Logic của vấn đề là cả SCIC và Vietnam Airlines đều do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, vì vậy, nếu chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước sang SCIC thì trên thực tế Ủy ban vẫn quản lý Vietnam Airlines.

Một phương án khác được đưa ra tại cuộc tọa đàm gần đây của Tổ tư vấn của Thủ tướng là phát hành riêng lẻ cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho SCIC để gỡ vướng về mặt pháp lý cho giải pháp đầu tư của SCIC. Theo đó, các chuyên gia đề xuất phát hành cổ phiếu riêng lẻ trực tiếp cho SCIC thông qua sự ủy quyền của Nhà nước.

Phương án này có thể thuận lợi bởi chỉ cần xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông. Hoặc Vietnam Airlines có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC, được Nhà nước chỉ định.

Tin bài liên quan