1. Chiều muộn, nhưng cuộc trao đổi của ông Thiện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi chiếc điện thoại của ông cứ đổ chuông đều đều. Mỉm cười như thể thanh minh cho sự đứt đoạn đáng yêu đó, ông trần tình: “Đó là những cuộc gọi đến từ các nhà phân phối, đối tác cung ứng trứng gia cầm và những người nông dân... Không thể từ chối vì là đối tác, không muốn từ chối vì muốn nhận thông tin và không nỡ từ chối vì đó là những cuộc trò chuyện của những người bạn”.
Cái tên Trương Chí Thiện, từ lâu đã không còn xa lạ với bà con nông dân miền Tây và các nhà phân phối trứng gia cầm tại TP.HCM. Cùng với thương hiệu “bán chính thức” đó là thương hiệu chính thức Vĩnh Thành Đạt, khi Công ty đang là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm sạch hàng đầu tại Việt Nam. Cũng chính bởi uy tín của mình mà Vĩnh Thành Đạt đã được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ bình ổn giá mặt hàng trứng gia cầm cho Thành phố.
Trở lại câu chuyện, vì sao ông được bà con nông dân coi là người hùng, khi ông đã cùng họ tạo nên một... cuộc cách mạng trứng!
Trước khi ông Thiện khởi động phong trào nuôi gà ác, gà ta, người nông dân miền Tây vẫn miệt mài với gà công nghiệp, dù càng ngày, lời lãi càng ít vì không cạnh tranh được với các trang trại lớn của những tập đoàn chăn nuôi lớn của nước ngoài. Nhờ chuyển đổi sản phẩm, lại được Vĩnh Thành Đạt bao tiêu đầu ra, nên từ cuối năm 2012 đến nay, một số chủ trang trại nuôi gà ác, gà ta ở miền Tây đã mạnh dần lên và giờ, sau khi họ đã tự đứng vững bằng đôi chân của mình, thì sự tiến lên đang chờ sự tiếp sức từ ông Thiện.
Không chỉ có những chủ trang trại nhỏ, mà chính những người nông dân nuôi vịt chạy đồng cũng nhờ Vĩnh Thành Đạt mà đỡ vất vả theo. Trước đây, theo cách truyền thống, họ thuê đồng để thả vịt, nên hiệu quả không cao, mà còn đối diện nhiều rủi ro từ dịch cúm gia cầm khó kiểm soát. Việc thì vất sớm khuya mà thu nhập bấp bênh.
“Chúng tôi bàn kế hoạch nuôi vịt bán công nghiệp. Tức là, Vĩnh Thành Đạt đầu tư 5 ha đất tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng để chăn nuôi dạng khép kín chứ không thả chạy đồng. Đây chỉ là giai đoạn 1, nhưng nhờ vậy, người nông dân hết cảnh chạy đồng, sản lượng trứng vịt cũng nhờ vậy mà tăng tới 20%”, ông Thiện nói.
Sau hơn một năm thử nghiệm mô hình với 20.000 con vịt, ông tự tin khẳng định mô hình này chắc chắn sẽ thành công. “Sau những thành công ban đầu, công việc còn lại là thuyết phục được nhiều người làm giống mình để nhân rộng thành công”, ông Thiện nói.
Đúng là khó vì mô hình chưa có ai làm. Tâm lý người nông dân vẫn thích chạy đồng theo thói quen, vì luôn “ba cùng” với những người dân đã bao đời có thói quen “chạy đồng như vịt”, nên ông hiểu mọi việc không thể nhanh quá. “Chúng tôi phải làm trước, lấy kết quả để thuyết phục người dân. Họ thấy việc đỡ vất mà thu nhập tăng, họ sẽ theo”, ông Thiện nói.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, khoảng 5-10 trang trại sẽ tham gia mô hình nuôi vịt bán công nghiệp mà Vĩnh Thành Đạt đang triển khai. Ông Thiện cho biết, Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho những hộ chăn nuôi này.
2.Hiện tại, ông Thiện đang theo đuổi kế hoạch gia tăng giá trị cho quả trứng. Năm 2013, bất chấp dịch cúm gia cầm, Vĩnh Thành Đạt vẫn đạt doanh số 250 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30%. Năm 2014, dù tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn, Công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 20%.
Nhưng điều này vẫn chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững cho bản thân Vĩnh Thành Đạt cũng như cuộc sống ổn định của người chăn nuôi. Ông thừa nhận, sản phẩm trứng của mình vẫn nghèo quá, ít chủng loại quá so với các nước quan khu vực. Hơn thế, nếu chỉ có mỗi trứng gia cầm tươi, vừa khó bảo quản, vừa yêu cầu đầu tư kênh phân phối hiện đại, việc mở rộng thu mua trứng của người nông dân sẽ khó thực hiện. Đầu tư lớn thì vướng nguồn kinh phí của doanh nghiệp.
Đúng là người nào... nghiệp đấy. Nghe giọng ông hồ hởi với giải pháp “khắc chế” được hai trở ngại trên thì thấy rõ, với ông Thiện, mọi việc liên quan đến trứng đều hấp dẫn. Ông kể về các sản phẩm trứng chế biến, trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu và trứng gà ác tiềm thuốc bắc; rồi thì cách thức bảo quản sản phẩm chế biến này tới 6 tháng, trong điều kiện nhiệt độ thường và kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường…
“Công nghệ chúng tôi đi học của người ta, nhưng khẩu vị thì làm theo người Việt Nam”, ông Thiện vui vẻ chia sẻ bí quyết.
Công nghệ của người ta, theo cách nói của ông, là học từ các nền kinh tế lân cận qua những lần đi tìm hiểu thị trường. Ông nói, có đi mới thấy, trong siêu thị ở một số nơi ở châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... tỷ lệ tiêu thụ trứng tươi và trứng chế biến sẵn là ngang ngửa nhau. Điều này được thể hiện rõ khi trên các kệ bán hàng ở siêu thị, tỷ lệ là 50% trứng tươi và 50% trứng đã chế biến.
Khẩu vị của người Việt mình cũng tương tự như họ. Ông kể, tự mình tới Đài Loan để tìm hiểu công nghệ và sau đó đã quyết định nhập khẩu một số thiết bị làm sản phẩm trứng ăn liền. Tổng vốn đầu tư cho dự án mới (gồm máy móc, nhà xưởng) trị giá 10 tỷ đồng. Công suất ban đầu định tung ra khoảng 1 triệu quả trứng chế biến sẵn/tháng.
“Khoảng 1-2 tháng nữa người tiêu dùng có thể mua sản phẩm này trên kệ các siêu thị”, ông Trương Chí Thiện vui vẻ thông báo.
Ông cũng nói, đây mới là bước đầu. Trong kế hoạch dài hạn, sau khi xem xét kết quả giai đoạn 1, ông sẽ nâng cấp nhà máy lên gấp đôi để phục vụ thị trường xuất khẩu.
3.Dù đã có thành công và cũng đang có những kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhưng trong suốt 11 năm kinh doanh trứng gia cầm, ông Thiện vẫn đau đáu, bởi cho tới giờ, có hai mục tiêu Vĩnh Thành Đạt vẫn chưa làm được, đó là mở rộng kênh phân phối ra toàn quốc và xuất khẩu trứng gia cầm.
Nếu làm được hai mục tiêu này, ông cho rằng, người nông dân miền Tây quê ông, cũng là những người trong nghề của gia đình ông sẽ “không có sức mà làm ra trứng”.
Gần 30 năm trước, khi đang là sinh viên đại học năm thứ 3 ngành tài chính, trong những lần về thăm quê, chứng kiến cảnh gia đình thu gom trứng gia cầm bán lại cho thương lái chịu nhiều thiệt thòi về giá, ông Thiện đã suy nghĩ: làm thế nào bỏ đi phương pháp làm truyền thống đã tồn tại bấy lâu, khi mà chính những người một nắng hai sương để làm ra quả trứng lại luôn là phía phải gánh chịu thiệt thòi.
Việc thành lập Vĩnh Thành Đạt cũng trong kế hoạch trả lời câu hỏi này. Cũng may, sau vụ cúm gia cầm khiến các doanh nghiệp lao đao, thì đến cuối năm 2003, Công ty Vĩnh Thành Đạt được thành lập để có điều kiện thực hiện các yêu cầu của Sở Thú y TP.HCM và trở thành đơn vị đầu tiên tại TP.HCM được kinh doanh trứng gia cầm trở lại.
“Gần 1 năm trời, chúng tôi trở thành nhà cung cấp duy nhất cho các siêu thị. Nhân viên trong công ty làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không đủ hàng cung cấp”, ông Thiện nhớ lại.
Hiện nay, ở kênh bán hàng hiện đại, tại các siêu thị, doanh số bán hàng của Vĩnh Thành Đạt dẫn đầu trong số các doanh nghiệp cung cấp trứng gia cầm cho siêu thị. Độ phủ kênh siêu thị của Vĩnh Thành Đạt đã chiếm 100% từ Phan Thiết tới Cà Mau. Về chủng loại, Công ty có tới cả chục mặt hàng, gấp nhiều lần so với các doanh nghiệp cùng ngành, thậm chí là ăn đứt cả các doanh nghiệp ngoại.
Giờ đây, mặc dù kế hoạch kinh doanh hiện tại vẫn đang diễn ra suôn sẻ, song với một người từng có kinh nghiệm kinh doanh trứng gia cầm trên 10 năm nay, ông Thiện vẫn lo. “Ngành này đang có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng dù sao, cơ hội còn nhiều, nhất là khi cộng đồng chung ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015”, ông chia sẻ.
Vấn đề là cách làm để tận dụng cơ hội đó chứ nếu cứ lệ thuộc doanh nghiệp nước ngoài về con giống và thức ăn chăn nuôi (doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – FDI chiếm 80%, doanh nghiệp trong nước cũng sản xuất được tới 20%, nhưng do hiệu quả thấp nên nông dân ít sử dụng), thì miếng bánh, dẫu có to cũng là của kẻ khác. Tới đây, ông Thiện cho biết, một mặt, Vĩnh Thành Đạt tiếp tục hướng người nông dân – đối tác của Công ty – hướng vào sản phẩm đặc thù là gà ta, gà ác, trứng vịt. Cùng với đó, Vĩnh Thành Đạt tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM.
Khi nói về việc tham gia chương trình bình ổn, ai cũng cho rằng đó là đặc ân, là cơ hội bởi được vay vốn ưu đãi, được bao tiêu sản phẩm..., nhưng thực ra, dù cho có tiềm lực, sản phẩm có chất lượng đảm bảo và tất nhiên là uy tín kinh doanh để được lọt vào danh sách các đơn vị tham gia bình ổn, nhưng không dễ mà làm được. Thực tế cho thấy, ngay trong năm 2013, TP.HCM có 3 doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng trứng gia cầm, thì mới được nửa chừng, Công ty Vietfarm đã phải xin thôi không tham gia nữa.
“Vĩnh Thành Đạt đã tập trung chủ lực vào kênh mua sắm hiện đại (cung cấp cho hệ thống siêu thị 70% sản lượng), bởi những người mua sắm ở kênh này họ nhận thức được điều đó và chấp nhận cái đó. Ngoài ra, Công ty đang dốc sức cho sản phẩm trứng gia cầm chế biến sẵn nêu trên”, ông Thiện tâm sự.
Như ông nói, chỉ có cách đấy, ông mới có thực hiện được cam kết với người nông dân – đối tác của ông.