Sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất nước Nga, St Petersburg International Mercantile Exchange, hay Spimex, đang kêu gọi các nhà giao dịch quốc tế tham gia thị trường tương lai tại quốc gia này.
Mục tiêu là gia tăng doanh thu từ dầu thô Urals bằng việc tách biệt sản phẩm này với sản phẩm định giá tiêu chuẩn được sử dụng nhiều nhất hiện nay là dầu thô Brent.
Hiện tại, có 3 sản phẩm dầu thô tiêu chuẩn là WTI, Brent và Dubai.
Một mục tiêu khác là dần thoát ra tình trạng dầu thô được định giá bằng USD.
Theo các chuyên gia năng lượng, để Nga có thể thu hút sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư quốc tế, điện Kremlin cần thuyết phục giới đầu tư rằng Nga không có ý định cố nâng giá dầu lên. Ngân sách Nga phụ thuộc khá lớn vào doanh thu từ dầu mỏ.
“Mục tiêu là tạo nên một hệ thống nơi dầu mỏ của Nga được định giá và giao dịch theo cách công bằng, chân thực”, Alexei Rybnikov, người đứng đầu Spimex cho biết.
Nước Nga xuất khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô khai thác được ra thị trường quốc tế và lâu nay luôn phàn nàn về việc giá dầu Urals luôn có mức giá thấp hơn so với dầu Brent Biển Bắc, vốn được định giá bởi hãng Platts.
Giá dầu giảm hơn một nửa trong 2 năm qua là nguyên nhân chủ yếu khiến Nga đối diện với thâm hụt ngân sách tăng mạnh. Việc sở hữu một thị trường giao dịch hàng hóa tương lai có thể giúp cải thiện giá dầu của Nga, đồng thời giúp các công ty nội địa có thêm được doanh thu từ giao dịch, ông Rybnikov cho biết.
Nhằm thu hút sự giao dịch của nhà môi giới, đầu tư quốc tế, Ngân hàng Trung ương Nga đang chuẩn bị các quy tắc về luật pháp để đảm bảo sự thuận tiện cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào thị trường hàng hóa tương lai cùng với thị trường phái sinh, Bộ Tài chính Nga cho biết. Trước mắt, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ hỗ trợ Spimex trong việc bắt đầu xây dựng giá dầu tương lai cho xuất khẩu.
Theo thông tin từ Chủ tịch Spimex, các công ty năng lượng lớn nhất tại Nga, bao gồm Rosneft OJSC, Lukoil PJSC và Gazprom Neft PJSC đều hỗ trợ tích cho thị trường tương lai mới này và sẽ trở thành thành viên thị trường. Tuy nhiên, ông Rybnikov từ chối cung cấp tên của một số hãng giao dịch nước ngoài, cho biết Spimex vẫn đang trong quá trình đàm phán với nhiều thành viên thị trường khác.
Nga không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực thục đẩy việc thay đổi giá dầu mỏ trên toàn cầu. Trung Quốc đã dành 2 thập kỷ qua cố gắng thiết lập một thị trường giao dịch dầu thô tương lai. Dự kiến, kế hoạch này có thể hoàn thành trong năm nay. Bên cạnh đó, Iran và Venezuela, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đang kêu gọi việc giao dịch dầu mỏ bằng đồng tiền khác, thay vì USD như hiện tại.