Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 tăng 0,69%, tháng 2 tăng 0,55% khiến nhiều người lo ngại về sức cầu của nền kinh tế. Theo bà, CPI tăng thấp có phải do sức cầu yếu?
Nhìn vào con số thống kê thì nhiều người cho rằng, sức cầu của nền kinh tế yếu. Tuy nhiên, lo ngại này không có cơ sở, bởi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá vẫn còn tăng 6,2%.
Trong 2 năm trở lại đây, CPI tăng thấp, theo tôi, có nguyên nhân quan trọng nhất là tâm lý của người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ. Chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn, chứ hoàn toàn không phải “thắt lưng buộc bụng”. Tâm lý, thái độ của người tiêu dùng có sự thay đổi, nên người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá vô tội vạ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, như những năm trước. Những yếu tố này là nguyên nhân chính khiến lạm phát 2 tháng đầu năm nay ở mức thấp.
Người tiêu dùng có “tâm lý ổn định”, nhưng CPI tháng 3 và tháng 4 sẽ diễn biến ra sao khi xăng vừa tăng giá ngày 19/3, thưa bà?
Giá xăng dầu mới được điều chỉnh khiến nhiều người lo ngại lạm phát quay trở lại. Thế nhưng, trên thực tế, giá xăng dầu tác động không đáng kể vào lạm phát. Giá xăng dầu tác động trực tiếp tới lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải cũng không dám tăng giá dịch vụ trong phạm vi có thể “chịu đựng được” với giá xăng dầu sau khi tăng. Theo quy luật nhiều năm, tốc độ tăng CPI tháng 3 và tháng 4 thường thấp hơn so với tháng 1 và tháng 2, vì vậy có thể dự báo, CPI trong 2 tháng tới không diễn biến bất thường.
Bà có nghĩ rằng, đây chính là cơ hội để điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá?
Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã tăng giá dịch vụ y tế (viện phí) theo đúng lộ trình, ngoại trừ TP.HCM dự định sẽ tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 6/2014. Giá dịch vụ giáo dục (học phí) theo lộ trình phải đến tháng 9/2014 mới tăng 10-15%. Giá điện, nước đã có lộ trình tăng, thời điểm tăng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã tính toán tất cả các yếu tố này, nên mới trình Quốc hội thông qua mức lạm phát mục tiêu trong năm nay là dưới 7%.
Nga là một trong những quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu - khí lớn nhất trên thế giới. Theo bà, những thay đổi ở Crimea và Ukraine, những bất đồng giữa Nga với một số nước châu Âu và Mỹ có ảnh hưởng mạnh tới giá dầu mỏ, khí đốt, qua đó tác động tới CPI của Việt Nam?
Nói chung, quốc gia nào cũng bị tác động, ảnh hưởng bởi những xung đột chính trị, bất ổn tại những quốc gia, khu vực nắm giữ lượng dầu - khí lớn của thế giới chứ không gì Việt Nam. Vì thế, theo tôi, những thay đổi ở Crimea ít nhiều cũng tác động tới CPI do giá xăng dầu, khí đốt bị tác động bởi những xung đột, bất ổn này. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản đặt ra để có cách đối phó, còn trên thực tế mấy ngày gần đây, giá dầu mỏ thế giới chưa bị tác động mạnh bởi tình hình ở Crimea.
Nếu giá xăng dầu biến động mạnh như năm 2008, theo bà, CPI sẽ bị tác động thế nào?
Giả sử giá xăng dầu biến động mạnh do những thay đổi ở Ukraine như cuộc khủng hoảng ở Gruzia hồi năm 2008 thì tôi vẫn tin rằng, sự kiện này tác động tới CPI không nhiều. Bởi Chính phủ vẫn đặt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế, nếu giá xăng dầu tăng mạnh, Chính phủ sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau, như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu, tạm thời chưa cho doanh nghiệp đầu mối sử dụng lãi định mức để kiểm soát giá xăng dầu bán lẻ.