Kinh tế Mỹ vẫn còn rất u ám và điều này sẽ tác động xấu tới triển vọng tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới.

Kinh tế Mỹ vẫn còn rất u ám và điều này sẽ tác động xấu tới triển vọng tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới.

Giá xăng, dầu vẫn bấp bênh

Phiên giao dịch đêm qua (15/9), nhờ động thái nới lỏng thanh khoản USD của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh đã kéo giá dầu thô kỳ hạn phục hồi trở lại, nhưng mức tăng không đáng kể.

 

Số liệu công bố trong ngày cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 8 của Mỹ khởi sắc, so với dự báo đi ngang của giới phân tích, cũng hỗ trợ cho thị trường dầu, nhưng các báo cáo khác lại cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn rất u ám.

 

Chốt phiên giao dịch ngày 15/9, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 tăng 49 xu Mỹ, tương ứng 0,6%, lên 89,40 USD/thùng trên sàn mua bán hàng hóa New York. Trong phiên, giá thấp nhất của dầu hợp đồng này là 88,01 USD/thùng và cao nhất là 90,15 USD/thùng. Tính tới 7h20 sáng nay, giá dầu đang giảm 0,2% xuống 89,23 USD/thùng.

 

Đóng cửa trước đó, tại châu Á, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 giảm 44 xu Mỹ, xuống còn 88,47 USD/thùng, do nhu cầu năng lượng yếu tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về tình hình nợ nần của Hy Lạp.

 

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này tuần trước giảm 6,7 triệu thùng, gấp đôi dự báo của các chuyên gia phân tích. Andy Lipow, chuyên gia tại Lipow Oil Associates nhận định dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh chủ yếu do hoạt động sản xuất dầu bị ngưng trệ khi cơn bão nhiệt đới Lee đi qua Vịnh Mexico .

 

Còn dự trữ xăng của Mỹ tuần trước lại tăng 1,9 triệu thùng, trong bối cảnh nhu cầu xăng tại Mỹ thấp hơn 2,7% so với cùng kỳ năm 2010. Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích hàng hóa thuộc Phillip Futures (có trụ sở ở Singapore) nhận định nhu cầu xăng co lại là một tin xấu đối với nhu cầu dầu thô.

 

Tuy nhiên, hôm qua, việc ECB công bố sẽ cung cấp thêm thanh khoản bằng USD cho các ngân hàng thương mại châu Âu, thông qua việc hợp tác cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh quốc, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, đã giúp thị trường dầu phục hồi.

 

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang lo lắng về sức khỏe cũng như khả năng thanh khoản của các ngân hàng châu Âu, đã giúp cho giới đầu tư quốc tế lấy lại niềm tin, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán vọt cao, nâng đỡ cho giá dầu.

 

Tuy nhiên, hàng loạt số liệu kinh tế Mỹ công bố trong ngày "lại rất xấu", Kyle Cooper, giám đốc quản lý hãng tư vấn IAF ở Houston (Mỹ) cho hay. Cụ thể, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 10/9 đã tăng 11.000 lên 428.000 người, cao nhất trong gần 2 tháng qua.

 

Theo chuyên gia Cooper, đây sẽ là một khó khăn thực sự đối với kinh tế Mỹ trong việc duy trì số người thất nghiệp ở quanh mức 400.000 người. Giới phân tích dự báo, khi người dân cảm thấy không được bảo đảm về kinh tế, thì chắc chắn nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu sẽ sụt giảm.

 

Sản lượng công nghiệp tháng 8 của Mỹ tăng 0,2% ngoài dự liệu của giới phân tích. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang tại Philadelphia cho hay chỉ số sản xuất khu vực này trong tháng 9 ở mức âm 17,5 điểm, tháng âm thứ ba trong 4 tháng qua. Trong khi theo Cục Dự trữ Liên bang ở New York, chỉ số sản xuất tại đây cũng giảm xuống âm 8,8 điểm trong tháng 9.

 

Một số chuyên gia phân tích dự báo giá dầu năm 2012 sẽ tăng, cho dù nhu cầu dầu chỉ tăng với tốc độ yếu tại các nước đã phát triển. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 14/9, khi xem xét các yếu tố kỹ thuật hiện nay, Richard Ross, một nhà phân tích kỹ thuật của hãng Auerbach Grayson ở New York cho rằng, dầu thô hiện khó duy trì trên mốc 90 USD/thùng.

 

Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, giá các chế phẩm khác cũng phục hồi trong phiên giao dịch đêm qua. Cụ thể, giá xăng kỳ hạn tháng 10 tăng 6 xu Mỹ, tương ứng 2,1%, lên 2,78 USD/gallon. Dầu sưởi giao tháng 10 tăng 8 xu Mỹ, tương ứng 2,7%, lên 3,02 USD/gallon. Một gallon tương đương 3,78 lít.