Tiềm lực tài chính của nhà đầu tư cá nhân còn hạn hẹp là lý do chính khiến khó có thể "làm giá" vàng thế giới ở Việt Nam

Tiềm lực tài chính của nhà đầu tư cá nhân còn hạn hẹp là lý do chính khiến khó có thể "làm giá" vàng thế giới ở Việt Nam

Giá vàng tăng cao do cung- cầu quá chênh lệch

Chuyên gia Trần Quốc Quýnh, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, hoạt động “mua gom, làm giá” vàng của cá nhân nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam là rất khó.

Khó “làm giá” vàng trong nước

 

Thưa ông, diễn biến giá vàng trưa 27/9 tăng vọt lên mức kỷ lục 30,9 triệu đồng/lượng trong khi giá thế giới cùng thời điểm không có biến động đáng kể, vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

 

Giá vàng thế giới biến động rất mạnh và rất nhanh cho nên nói Việt Nam cao hơn hay thấp hơn thế giới là không có căn cứ một cách chính xác và rất khó.

 

Rạng sáng 27/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới có lúc đã vượt 1.300 USD/oz, đạt mức 1.302-1.303 USD/oz nhưng chỉ sau đó vài giờ thì giá thế giới lại tụt xuống về mức 1.295-1.296-1.298 USD/oz. Đến sáng 28/9, giá vàng tiếp tục giảm xuống mức 1.292 USD/oz.

Tôi cho rằng, thời điểm rạng sáng 27/9 giá vàng thế giới vọt lên trên 1.300 USD/oz, nhưng Việt Nam chưa điều chỉnh kịp nên thành thấp hơn thế giới và sau đó giá trong nước điều chỉnh lên bù lại. Việc tăng giá này không phải theo ý đồ “làm giá” của một ai mà là giá vàng Việt Nam lên theo giá thế giới.

 

Nguồn vàng trong nước đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng vàng trong dân đang gia tăng và việc mạnh tay mua gom vào của một số nhà đầu tư lớn trong nước là các lý do được giới kinh doanh vàng đưa ra giải thích cho hiện tượng ngày 27/9. Ý kiến của Hiệp hội ra sao về các lý giải trên?

 

Thứ nhất, phải khẳng định giá vàng trong nước luôn phụ thuộc vào giá thế giới chứ Việt Nam chưa có khả năng, tiềm lực về vàng để nói mình một mình một chợ được.

 

Hiện nay, Nhà nước ta đang cấm giao dịch sàn vàng, hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng gần như là cấm bởi vì không cho giấy phép, như vậy nguồn vàng bị cắt. Cho nên nguồn vàng trong nước hiện cạn kiệt. Trong lúc đó nhu cầu mua vàng, đầu tư mua bán kiếm lời gia tăng.

 

Thứ hai, nói thị trường vàng vừa qua bị làm giá thì tôi chưa thấy. Việc làm giá này cũng khó vì vàng là theo thế giới chứ không phải như chứng khoán chỉ giao dịch trong phạm vi Việt Nam. “Làm giá” thế giới thì tiềm lực vốn phải cực kỳ lớn.

 

Như vừa rồi vàng thế giới lên 1.300 USD/oz thì làm thế nào đẩy vàng lên 1.300 USD/oz được? Nếu có đẩy lên được thì đắt cũng chẳng ai mua. Cho nên tình trạng làm giá có thể nói là rất rất khó đối với người Việt Nam.

 

Hơn nữa, giá vàng thế giới cũng biến động bất thường. Nó lên cao rồi cũng xuống nhanh. Chỉ trong một đêm 28/9, giá mất đi 7-8 USD/oz. Nếu ai ôm lúc giá 1.300 USD/oz thì đến bây giờ lại lỗ. Do đó nhà đầu tư cũng không dám ôm nhiều một lúc.

 

Trong 2-3 tháng vừa rồi, các thương hiệu vàng như SJC, AAA đều báo cáo lượng bán ra giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, SJC trước kia có lúc bán ra 7.000-8.000 lượng vàng, nhưng những đợt biến động giá vừa qua, bán không đến 1.000 lượng/lượt. Các tổ chức, công ty lớn cũng không dám đầu tư vào vàng nhiều, còn cá nhân đầu tư thì giới nhà giàu chỉ là con số hạn hữu. Việc nhà đầu tư lớn mua gom đẩy giá nếu có cũng chưa kiểm chứng được.

 

Cung – cầu vàng chênh lệch

 

Diễn biến thị trường khi giá vàng trong nước tăng kỷ lục vào ngày 27/9 vừa qua thì người dân và nhà đầu tư lại càng đổ xô đi mua. Điều đó cho thấy kỳ vọng giá vàng tới đây của họ còn lên cao nữa, thưa ông?

 

Theo tổng hợp theo dõi nhiều dự báo, nhất là của các ngân hàng Đức, Mỹ, Anh thì chiều hướng giá đang còn tăng. Năm nay giá vàng ước chừng khoảng 1.300 USD/oz, sang năm có thể lên đến 1.400, thậm chí có những ý kiến còn kỳ vọng cao hơn nữa nhưng thời điểm nào thì chưa thể nói được.

 

Cơ sở của các nhận định trên là giá trị của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đều trong xu hướng lạm phát, sụt giảm. Tiền mất giá nên người ta phải tìm nơi trú ẩn là vàng. Thứ hai là Ngân hàng trung ương của rất nhiều nước cũng mạnh tay mua vào.

 

Ví dụ Trung Quốc thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối của họ hơn 2.000 tỷ USD mà để tiền tệ trong bối cảnh hiện nay là khó lường nên họ phải nhắm tới vàng. Trước đây Trung Quốc không công bố nhưng từ tháng 4/2010, họ đã báo cáo với Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) về mức dự trữ vàng quốc gia đạt 1.054 tấn. Hiện tại chiều hướng mua vàng vào tiếp của họ vẫn chưa dừng, họ vẫn tiếp tục đi mua các mỏ vàng có tiềm lực ở Canada, Úc, châu Phi... Còn Mỹ, mức dự trữ vàng hiện gần 9.000 tấn.

 

Đứng về mặt quan hệ cung cầu của vàng thì luôn luôn chênh lệch: cung luôn thấp, sản lượng vàng thế giới có hạn. Ví dụ trước kia, sản lượng khai thác mỗi năm thường đạt 2.500 tấn, còn 10 năm trở lại đây sản lượng sụt xuống, hiện tại là dưới 2.000 tấn/năm.

 

Ngoài việc phụ thuộc vào chiều hướng giá thế giới, ông nhìn nhận thế nào về tác động từ phía các nhà đầu tư lớn trong nước đến giá vàng Việt Nam trong bối cảnh thị trường khan hiếm vàng thời gian tới?

 

Về lý thuyết, có thể có như vậy. Nếu tình hình thị trường như thế này, lại thêm hoạt động của các nhà đầu tư lớn thì có thể có xảy ra trường hợp như vậy. Ở những nước xung quanh đã có trường hợp như vậy, còn ở VN thì chưa thể khẳng định và kiểm chứng ai làm được như vậy. Nếu báo chí có nói thì cũng chỉ là mặt lý thuyết thôi, còn dẫn chứng ông A, bà B cụ thể thì không thể khẳng định.