Giá vàng ngày 14/3: Dè đặt tăng giá

Giá vàng ngày 14/3: Dè đặt tăng giá

(ĐTCK) Giá vàng khởi đầu tuần bằng một phiên tăng giá nhẹ, trước khi các thông tin kinh tế được công bố và cuộc họp của Fed diễn ra.

Tại thị trường trong nước, giá vàng được điều chỉnh tăng nhẹ theo diễn biến của thị trường quốc tế.

Vàng SJC lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở 33,65 – 33,95 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 30.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng 30.000 đồng/lượng chiều mua vào và 10.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở 33,68 – 33,96 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày niêm yết ở 33,53 – 33,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 140.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng mỗi chiều, mua vào – bán ra ở 33,52 – 33,97 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 22.260 – 22.330 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 5 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước.

Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.280 - 22.300 VND/USD (mua vào - bán ra, tăng 10 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước.

Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á hôm nay, giá vàng nhích nhẹ sau khi giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước.

Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.2501,0 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng giữ đà tăng liên tục, đạt đỉnh ở 1.256,40 USD/ounce, tăng 6,3 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá vàng đóng cửa ở 1.254,90 USD/ounce, tăng nhẹ so với giá mở cửa.

Giá vàng ngày 14/3: Dè đặt tăng giá ảnh 1
Mặc dù giảm mạnh trước áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần trước, giới đầu tư cũng như các chuyên gia vẫn giữ cái nhìn tích cực đối với giá vàng trong tuần này. Trong tuần, thông tin kinh tế quan trọng nhất là phiên họp của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào thứ Ba và thứ Tư.

Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futurres cho rằng, việc đồng USD yếu hơn sau phiên họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể khiến quan chức Fed cảm thấy bớt áp lực hơn trong việc đưa ra quyết định nâng lãi suất theo đúng lộ chính.

Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, vàng không hẳn đã chịu áp lực giảm lớn, bởi giới đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế đang tập trung tới một yếu tố quan trọng khác: lạm phát.

“Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của lạm phát. Giá cả hàng hóa đã có tiến triển nhất định. Giá vàng tăng mạnh, dầu thô cũng phục hồi. Vậy mức lạm phát mục tiêu 2% mà giới chức đưa ra đang ở đâu?”, Pavilonis cho biết.

Bên cạnh phiên họp của Fed, một số thông tin kinh tế sẽ được công bố trong tuần. Bao gồm, doanh số bán lẻ, giá cả sản xuất và khảo sát sản xuất tại New York được công bố vào thứ Ba; chỉ số giá tiêu dùng, doanh số nhà mới xây bán ra và sản lượng công nghiệp vào thứ Tư. Trong ngày thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và khảo sát sản xuất tại Philadelphia sẽ được công bố.

Tin bài liên quan