Chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư kỳ vọng vào kế hoạch cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa, cùng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ.
Tuy nhiên, đà tăng bị hãm đi rất nhiều do tác động trái chiều từ một số cổ phiếu lớn khác, nhất là đà lao dốc của cổ phiếu Sprint và T-Mobile sau thông tin hoãn đàm phán sáp nhập.
Dù chỉ tăng nhẹ (ngoại từ Nasdaq), nhưng cả 3 chỉ số chính của phố Wall cũng thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Dow Jones tăng 9,23 điểm (+0,04%), lên 23.548,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,29 điểm (+0,13%), lên 2.591,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22 điểm (+0,33%), lên 6.786,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù nhận được sự hỗ trợ của thông tin kinh tế khu vực tích cực, cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu năng lượng theo đà khởi sắc của giá dầu thô, nhưng các chỉ số chính của khu vực cũng chỉ đóng cửa gần như không đổi trong phiên đầu tuần mới do kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố. Trong đó, chứng khoán Anh có sắc xanh nhạt, còn chứng khoán Pháp và Đức chỉ giảm nhẹ.
Đặc biệt, dù giá dầu tăng, nhưng cổ phiếu của công ty năng lượng SBM Offshore giảm tới 13,8% sau khi phải trích khoản dự phòng 238 triệu USD cho cuộc điều tra của Mỹ liên quan đến việc hối lộ tại Mỹ Latinh.
Một cổ phiếu năng lượng khác là Vopak cũng giảm 6,1% sau khi lợi nhuận quý III công bố không như dự đoán của giới phân tích và giảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết thúc phiên 6/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,93 điểm (+0,03%), lên 7.562,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,07 điểm (-0,07%), xuống 13.468,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,72 điểm (-0,19%), xuống 5.507,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi phiên giảm liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, đà tăng bị hãm phần nào do nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng giảm mạnh.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc manh ngay đầu phiên do áp lực chốt lời do thông tin về việc kiểm soát chặt thị trường bất động sản của Trung Quốc, nhưng sau đó đã dần phục hồi và đóng cửa phiên đầu tuần gần như không đổi.
Chứng khoán Nhật Bản sau phiên nghỉ cuối tuần trước đã trở lại trong phiên đầu tuần mới và cũng đóng cửa gần như không đổi. Chứng khoán Nhật Bản chịu sự tác động trái chiều từ các nhóm cổ phiếu lớn là sự yếu kém của nhóm ngân hàng được bù đắp bởi đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng nhanh.
Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 9,24 điểm (+0,04%), lên 22.548,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 6,81 điểm (-0,02%), xuống 28.596,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,43 điểm (+0,49%), lên 3.388,17 điểm.
Sau khi điều chỉnh khá mạnh cuối tuần trước, giá vàng đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư tìm kênh trú ẩn sau thông tin về vụ bắt bớ hàng loạt hoàng tử và bộ trưởng ở Ả Rập Xê út. Ngoài ra, giá vàng cũng được hỗ trợ khi giá các hàng hóa khác như dầu thô tăng mạnh và đồng USD giảm trở lại.
Kết thúc phiên 6/11, giá vàng giao ngay tăng 12,1 USD/ounce (+0,95%), lên 1.281,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,4 USD/ounce (+0,90%), lên 1.281,6 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục thăng hoa trong phiên đầu tuần mới, trong đó giá dầu thô Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 sau khi Ả Rập Xê út bắt hàng loạt hoàng tử và bộ trưởng trong cuộc chiến chống tham nhũng cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 6/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,71 USD (+2,98%), lên 57,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,20 USD (+3,42%), lên 64,27 USD/thùng.