Giá than toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt than ở Trung Quốc

Giá than toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt than ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc là nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới và đang sẵn sàng chi trả bất kỳ giá nào để có được nguồn cung, đây là một động thái có nguy cơ để lại ít nhiên liệu hơn cho các quốc gia vốn cũng đang thiếu năng lượng.

Với mùa đông đang đến gần ở phần lớn thế giới và giá khí đốt tự nhiên đang ở mức kỷ lục, các nền kinh tế trên toàn cầu đang cạnh tranh để có được nguồn cung than hữu hạn. Trong đó, Trung Quốc là nơi đang có lượng than dự trữ thấp và nhu cầu ở mức cao nhất mọi thời đại nên đã sẵn sàng chi trả bất kỳ giá nào để thu gom thêm nhiên liệu.

Than là loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất vốn đang phải vật lộn chống lại các nguồn năng lượng sạch hơn, nhưng hiện than đang chứng kiến ​​đà tăng mạnh nhất từ trước tới nay, làm phức tạp các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu sẽ bắt đầu chỉ trong vài tuần nữa.

Hôm thứ Hai (27/9), Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ mở rộng thu mua than với “bất kỳ giá nào để đảm bảo sưởi ấm và phát điện vào mùa đông”. Trong khi hơn 90% nhiên liệu mà Trung Quốc sử dụng được khai thác tại địa phương nhưng rất khó để tăng sản lượng trong thời gian ngắn.

Giá than châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, than Newcastle của Úc đã tăng hơn 3 lần trong năm qua và đang dao động quanh mức cao kỷ lục của năm 2008. Giá than nhiệt tương lai của Trung Quốc trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng 22% tính tới thời điểm hiện tại trong tháng 9.

Giá than nhiệt tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu của Trung Quốc

Giá than nhiệt tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu của Trung Quốc

Một vài tháng trước, Trung Quốc đã đứng ngoài thị trường giao ngay và phàn nàn về việc giá quá cao và lưu ý rằng, họ có thể vượt qua cơn bão với hàng tồn kho sẵn có trong nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm khi các nhà điều hành nhà máy điện có nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu và yêu cầu các công ty, nhà nhập khẩu tìm nguồn hàng ở nước ngoài.

Trong khi đó, việc sử dụng than ở châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng trong suốt mùa đông trong bối cảnh sản lượng điện tái tạo giảm, giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục và kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân.

Các nhà máy than của Ấn Độ cũng đang cạn kiệt nguồn dự trữ và hơn một nửa số nhà máy của Ấn Độ chỉ có lượng tồn kho sử dụng cho chưa đầy một tuần. Các quốc gia sẽ cần thêm nguồn cung từ nước ngoài để bù đắp cho sản xuất yếu kém trong nước, thị trường than sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa.

Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại nhà kinh doanh hàng hóa lớn Trafigura Group cho biết: “Châu Á không có đủ than”.

Tranh chấp với Úc

Theo truyền thống, Trung Quốc đã mua gần như tất cả nguồn cung cấp than từ các nhà sản xuất ở châu Á, nhưng điều đó đã thay đổi vào năm ngoái khi nước này ngừng mua than từ Úc.

Để thay thế, Trung Quốc bắt đầu tăng cường nhập khẩu than từ một số nhà cung cấp chính của Nam Á và châu Âu một cách đều đặn.

Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,4 triệu tấn than nhiệt và luyện cốc từ Nam Phi trong năm nay, so với con số 0 từ năm 2015 đến năm 2020. Trung Quốc cũng tăng gấp đôi nhập khẩu từ Nga, vốn là nhà cung cấp chính cho châu Âu và lượng nhập khẩu từ Mỹ trong năm nay cũng tăng gấp 7 lần.

Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng nhập khẩu than từ châu Á. Các nhà nhập khẩu ở Đông Âu đã mua nguồn cung cấp từ Úc, đây là một động thái cho thấy châu Âu đang rất cần than.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, hàng tồn kho tại 6 tập đoàn điện lực lớn của Trung Quốc giảm 31,5% so với năm ngoái và ở mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2017.

“Lượng tồn kho thấp của các nhà sản xuất điện độc lập đã nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu dự trữ than, dẫn đến giá than tăng đột biến trong thời kỳ hoạt động khai thác yếu kém theo mùa”, các chiến lược gia cho biết.

Nhu cầu tăng mạnh

Trong khi Trung Quốc khai thác một nửa lượng than của thế giới, nguồn cung của họ không thể theo kịp với nhu cầu cao ngất ngưởng. Sản lượng nhiệt điện trong năm tính đến tháng 8 cao hơn 14% so với năm ngoái, trong khi sản lượng than chỉ tăng 4,4%. Nhập khẩu đã tăng hơn 20% kể từ đầu tháng 6, nhưng Trung Quốc vẫn cần nhiều hơn nữa để lấp đầy khoảng trống đó.

Abhinav Gupta, nhà phân tích nghiên cứu hàng khô tại Braemar ACM Shipbroking cho biết: “Với tình trạng khan hiếm than trong nước, chúng tôi có thể mong đợi Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động thu mua của mình”.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu than tăng mạnh

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu than tăng mạnh

Trong khi đó, nguồn cung than toàn cầu đã giảm do các nhà khai thác lớn của Colombia và Indonesia phải vật lộn với tình trạng mưa lớn, trong khi một số mỏ ở những nơi khác phải đóng cửa vì đại dịch.

Đầu tư vào các dự án khai thác mới gần như chững lại trong những năm gần đây vì các ngân hàng cắt giảm cho vay đối với các công ty than khi thế giới tìm cách ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đang thấy sự thiếu hụt than ở một số thị trường sau cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu”, Diego Mesa Puyo, Bộ trưởng Năng lượng Colombia cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Ông cho biết, Cộng hòa Dominica đang phải đối mặt với các vấn đề về hợp đồng cung cấp than do các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và Colombia đang nỗ lực để đảm bảo một số nguồn cung cho quốc gia từ các mỏ của nước này.

Theo Ernie Thrasher, Giám đốc điều hành của Xcoal Energy & Resources LLC, tình trạng thiếu lao động đang khiến việc thuê thêm thợ mỏ trở nên khó khăn hơn. Một số đơn giao hàng hiện tại của Xcoal đang chậm trễ từ 2 - 4 tuần trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể có các lựa chọn để đối phó với tình trạng khan hiếm khi nguồn cung toàn cầu bị hạn chế. Bắc Kinh có thể quyết định nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu than của Úc, mặc dù điều đó có thể không hợp lý về mặt chính trị. Hoặc chính phủ có thể quyết định hạn chế cung cấp cho các nhà máy nhưng sẽ đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế.

Jan Dieleman, người đứng đầu bộ phận kinh doanh vận tải đường biển của Cargill International cho biết: “Trung Quốc đã không thực hiện tăng dự trữ than trong thời gian trước đó. Trong khi đó, mùa đông sắp tới là lúc nhu cầu tiêu thụ than gia tăng, điều này sẽ khiến cho Trung Quốc tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu hụt than trong thời gian tới".

Tin bài liên quan