Một người bán đồ ăn trước lối vào một khu công nghiệp ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - nơi bị ảnh hưởng bởi thiếu điện. Ảnh: AFP
Chia điện trong giờ cao điểm
Mưa lớn đã khiến 60 mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, trung tâm khai thác than lớn nhất Trung Quốc, phải đóng cửa, theo thông báo mới đây của Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của chính quyền tỉnh này.
Sơn Tây là nơi đóng góp 1/4 sản lượng khai thác than của Trung Quốc. Còn tỉnh giáp ranh Thiểm Tây đứng thứ ba về sản lượng than của nước này, cũng thông báo rằng mưa lớn và lở bùn làm ảnh hưởng đến hoạt động tại các mỏ địa phương, theo thời báo tài chính quốc gia Trung Quốc Securities Times.
Giá than giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, chủ yếu dùng để sản xuất điện, đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong phiên giao dịch 11/10 sau khi tăng 12% lên 1.408 nhân dân tệ (tương đương 219 USD)/tấn. Mức giá này đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Than là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm, phát điện, và luyện thép. Năm ngoái, than đóng góp gần 60% tổng sản lượng năng lượng sử dụng ở Trung Quốc.
Thiên tai ập đến đúng vào lúc Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu điện bằng cách tăng cường sản xuất than và cho phép các nhà máy nhiệt điện than tích lũy nhiều hơn để phát điện.
Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc đã lan rộng ra ít nhất 20 địa phương trong những tuần gần đây, buộc chính phủ nước này phải chia "khẩu phần" điện trong giờ cao điểm và yêu cầu một số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại sao Trung Quốc thiếu điện?
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc là hệ lụy của việc nhu cầu phục hồi mạnh từ đại dịch trong khi nguồn cung nhiên liệu giảm mạnh. Sống dựa vào nhiên liệu hóa thạch, ngành xây dựng ở Trung Quốc bùng nổ sau đại dịch, trong khi Bắc Kinh nỗ lực giảm phát thải carbon và yêu cầu hàng trăm mỏ than phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng vào đầu năm nay, khiến giá than tăng vọt từ đó.
Mặt khác, nguồn than nhập khẩu từ nhà cung cấp chính là Australia đã giảm mạnh trong bối cảnh quan hệ Australia - Trung Quốc xấu đi, cộng với thiên tai lũ lụt, càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu điện.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (CNEA), mùa hè vừa qua nóng hơn bình thường nên khiến mức tiêu thụ điện năng lên mức kỷ lục vào tháng 7. Mức tiêu thụ điện năng trong giai đoạn 8 tháng đầu năm 2021 đã tăng 14% so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như thủy điện, gặp khó khăn vì hạn hán trong những tháng gần đây.
Các nhà phân tích của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's cho rằng: "Việc Trung Quốc cắt điện sẽ làm gia tăng căng thẳng kinh tế, đè nặng lên tăng trưởng GDP năm 2022". Họ cảnh báo rằng rủi ro đối với dự báo GDP có thể lớn hơn do tình trạng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng.
Trước tình trạng thiếu điện trên, chính quyền Trung Quốc cuối tuần trước đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than tăng giá điện tới 20%. Đài CNN dẫn đánh giá của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: "Kể từ đầu năm nay, giá năng lượng trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh, và nguồn cung điện và than trong nước vẫn eo hẹp". "Những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng cắt điện ở một số nơi, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế thông thường và cuộc sống của người dân".
Các nhà máy điện ở Trung Quốc vốn không mặn mà thúc đẩy sản xuất vì giá than đang quá cao, khiến họ khó bảo đảm lợi nhuận hoạt động. Kể từ khi Bắc Kinh kiểm soát chi phí điện năng, các nhà sản xuất không thể tự ý tăng giá mà không có ý 0kiến của chính quyền.
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp khác để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng. Các nhà chức trách ở Nội Mông - khu vực cung cấp sản lượng than lớn thứ hai ở Trung Quốc - cuối tuần trước cũng đã yêu cầu 72 mỏ tăng sản lượng lên 98,4 triệu tấn, tương đương khoảng 30% sản lượng than hàng tháng của Trung Quốc.
Khủng hoảng năng lượng có thể sớm đè nặng lên vai người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như làm rối loạn chuỗi cung ứng trong mùa mua sắm nghỉ lễ sắp tới. Thời báo công nghệ thông tin (IT Times) có trụ sở tại Thượng Hải đưa tin, thành phố Nghĩa Ô ở phía đông tỉnh Chiết Giang - một trung tâm chính cho thương mại điện tử - đang phải vật lộn với tình trạng cắt điện trên diện rộng.
Theo IT Times, tình trạng thiếu và cắt giảm điện ở thành phố Nghĩa Ô - một thị trường bán buôn sôi động đồ dùng nhà bếp, đồ chơi, đồ điện tử, và các mặt hàng khác lớn nhất thế giới - có thể làm sụt giảm doanh số mua sắm Ngày Độc thân của Trung Quốc vào cuối năm nay. Trước khi Covid-19 xuất hiện, sự kiện này thường mang về cho các nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm.