Giá tăng phi mã, hãng sữa vô tư thu lợi lớn

Giá tăng phi mã, hãng sữa vô tư thu lợi lớn

Lý do cho việc tăng giá sản phẩm sữa của các nhà sản xuất và nhập khẩu là nguyên liệu tăng giá, nhưng thực tế là, ngay khi giá nguyên liệu thế giới giảm, giá sữa bán lẻ trong nước vẫn liên tục tăng... như bình thường.

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá nhiều loại sữa bột, sữa nước trên thị trường trong nước tiếp tục thiết lập mặt bằng mới, với mức điều chỉnh tăng trung bình 6 - 10% so với trước. Tình trạng này không chỉ xảy ra với các nhãn hiệu sữa nhập khẩu quen thuộc như Similac, Enfa, Pedia Sure, Nan… như nhiều lần tăng trước đó, mà trong danh sách tăng giá đợt này, cũng có cả các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Theo đại diện Vinamilk, từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu, bơ) trên thị trường thế giới đã tăng từ 30% đến 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng, riêng Vinamilk đã tăng giá thu mua bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013.

Thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, từ tháng 12/2013 đến hết tháng 1/2014, đã có 2/6 công ty sữa thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính, với mức tăng 5-10%. Riêng Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam có Văn bản số 2013002/FIN ngày 5/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, với các mức tăng phổ biến 5-7%.

Giá nguyên liệu tăng là "giai điệu" quen thuộc mà các hãng sữa lặp đi lặp lại cho mỗi lần tăng giá. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm thì giá sữa bán lẻ trong nước vẫn tăng như thường. Chẳng hạn, nửa đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012, nhưng không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá ở thị trường Việt Nam.

Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm 2013, có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16%. Cụ thể, trong tháng 1/2013, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng từ 15% đến 16%, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (phân phối sản phẩm của Mead Johnson Nutrition Việt Nam) tăng giá 3 mặt hàng 9%-10%. Tháng 2/2013, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam - tăng giá 31 mặt hàng từ 2% đến 9,5% và Công ty TNHH Friesland Campina tăng giá 9% một số mặt hàng. Tháng 5/2013, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng với mức tăng 8%. Sự tăng giá vô tội vạ của các hãng sữa tại Việt Nam đã khiến mặt bằng giá của sản phẩm này từ năm 2011 đến 2013 đã tăng đến 300%.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ căn cứ vào báo giá nhập khẩu của các hãng sữa để tăng giá bán lẻ, trong khi chúng ta có thông tin từ hải quan, từ thương vụ? Cơ quan chức năng đã căn cứ vào những yếu tố nào để làm rõ giá bán các sản phẩm sữa?…".

Rõ ràng là, khi các cơ quan quản lý chưa làm tới, chưa kiểm tra toàn bộ hồ sơ nhập khẩu, mức giá nhập khẩu của các doanh nghiệp để tiến tới quản lý chặt chẽ giá đầu vào, thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối sữa tại thị trường Việt Nam, còn thu lợi lớn từ những đợt tăng giá sữa và mọi thua thiệt đổ hết lên vai người tiêu dùng.

Tin bài liên quan