Giá phân bón “nhảy múa”

Giá phân bón “nhảy múa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá phân bón tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và cơn sốt này được dự báo tiếp tục kéo dài trong nửa cuối năm nay.

Nhiều áp lực đẩy giá phân bón

Dữ liệu từ Công ty cổ phần Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cho thấy, giá phân bón urê trên thị trường thế giới 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 105 - 125 USD/tấn, tương đương mức tăng gần 50% so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm DAP tăng tới 236 - 273 USD/tấn, tương đương tăng 77 - 91% so với cùng kỳ.

Giá MOP tăng 39 - 145 USD/tấn, tương đương tăng 15 - 65% so với cùng kỳ. Giá phân bón NPK giữa tháng 6 dao động trong khoảng 395 - 415 USD/tấn, tăng 70 - 75 USD/tấn so với cùng kỳ 2020, tương đương tăng 21,5%.

Các sản phẩm phân bón tăng giá chóng mặt được giải thích là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Ví dụ, giá ammonia trong tháng 4/2021 tăng tới 60% so với tháng 9/2020. Giá khí, giá than - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm cũng tăng mạnh.

Cụ thể, giá dầu thô Brent ngày 18/6/2021 là 74,06 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Đầu tháng 6/2021, giá than cốc tại Trung Quốc tăng mạnh do lo ngại nguồn cung giảm khi nhu cầu phục hồi trở lại từ các nhà máy thép.

Nhiệt độ nóng bức tại Bắc Á khiến nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiêu thụ than tăng theo. Bên cạnh đó, trước nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, xu hướng giá than tăng được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Còn tại Australia, giá than đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 3 năm do nhu cầu tăng đột biến đối với sản phẩm than chất lượng cao của nước này.

Thêm vào đó, giá cước vận tải hàng hóa nói chung và phân bón nói riêng không ngừng gia tăng từ quý II/2020 tới nay. Nhiều tuyến vận chuyển biển hiện nay đã có mức tăng gấp hai lần chỉ trong một thời gian ngắn trong quý I/2021, điều này khiến giá phân bón ở các khu vực đội lên đáng kể.

Cước phí vận chuyển cũng tăng do dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón được cải thiện nhờ giá cả nông sản duy trì ở mức cao, nguồn cung giảm do một số nhà máy lớn trên thế giới thực hiện bảo dưỡng.

Giá phân bón trong nước “chạy chậm” hơn thế giới

Trong quý I/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với trên thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón trong nước cũng bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho biết, họ đang phải đối mặt với việc giá nguyên liệu tăng mạnh, thậm chí có mặt hàng đã tăng bằng lần như axit sunphuaric (H2SO4) - nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm...

Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận xét, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở rất cao khi nước ta đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế quan trên thế giới.

Do đó, mọi biến động trên thị trường thế giới lập tức tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa của Việt Nam. Thậm chí, những hàng hóa Việt Nam tự đáp ứng 100% nhu cầu vẫn chịu ảnh hưởng biến động giá bên ngoài. Đây chính là sự vận động, điều tiết theo quy luật thị trường.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra chiều 17/6, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, giá phân bón tăng phần lớn do yếu tố bên ngoài, cụ thể, nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải tăng 3 - 5 lần.

Dự báo giá urê trên thị trường thế giới 6 tháng cuối năm 2021. Đơn vị tính: USD, Nguồn: AgroMonitor.

Dự báo giá urê trên thị trường thế giới 6 tháng cuối năm 2021. Đơn vị tính: USD, Nguồn: AgroMonitor.

Ông Dũng nhận xét, việc có nguồn sản xuất trong nước là yếu tố giúp kìm hãm mức độ tăng giá chung của các mặt hàng phân bón. Chẳng hạn, hiện sản phẩm DAP trong nước được bán với giá 9,5 - 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá nhập khẩu là 14 - 15 triệu đồng/tấn. Phân urê do các nhà máy trong nước sản xuất cũng có giá bán thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500 đồng/kg.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón quy mô lớn ở Việt Nam khẳng định, khó có thể tăng giá bán tương ứng với mức độ tăng trên thế giới.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với công suất đạt 109,98%, đạt mức sản lượng urê quy đổi hơn 450.000 tấn.

Với lượng hàng sản xuất trên, Công ty đã cung ứng toàn bộ ra thị trường, trong đó lượng hàng tiêu thụ cho thị trường nội địa đạt hơn 350.000 tấn, tương đương 30% tổng nhu cầu tiêu thụ urê trong nước.

Tại một số thời điểm, để ổn định tâm lý và cam kết cung cấp đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân, Công ty đã chấp nhận việc ký kết các hợp đồng bán hàng với hệ thống phân phối với thời gian giao nhận kéo dài, mặc dù biết xu hướng giá có thể tăng cao.

Giá bán urê Cà Mau được Công ty xây dựng và triển khai dựa trên giá FOB bình quân quy đổi của các khu vực thị trường trên thế giới. Mức giá bán trung bình 6 tháng đầu năm của Công ty là gần 7.900 đồng/kg.

Bên cạnh đó, Công ty nhập khẩu và phân phối các sản phẩm phân bón như Kali, NPK chất lượng cao và duy trì giá bán ổn định, sát thị trường thế giới để đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp bộ sản phẩm chất lượng cao tới đông đảo bà con nông dân trong và ngoài nước.

Thị trường phân bón được nhận định sẽ còn nhiều biến động. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Argus, giá urê thế giới trong 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng từ quý II/2021 và nhiều thị trường vượt mức giá 400 USD/tấn FOB. Đây là mức cao trong 10 năm trở lại đây.

Cơ sở cho nhận định này là, nhiều yếu tố khiến giá bán phân bón tăng mạnh trong nửa đầu năm sẽ được duy trì trong nửa cuối năm 2021.

Cụ thể, nguồn cung ứng urê xuất khẩu hạn chế ở nhiều nhà máy, tại nhiều khu vực trên thế giới do tăng cường hoạt động bảo dưỡng sau khi bị trì hoãn trong năm 2020 do yếu tố dịch Covid-19 sẽ góp phần duy trì giá bán của các nhà sản xuất trong giai đoạn 6 tháng tới.

Giá dầu, giá khí dự báo tiếp tục tăng do nhiều nước khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kéo theo nhu cầu cải thiện, nhưng ở chiều ngược lại sẽ đẩy giá đầu vào tăng theo đối với các nhà sản xuất urê sử dụng nguyên liệu khí. Cước vận tải biển chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn, đồng nghĩa giá bán phân bón cao hơn đến tay người tiêu dùng ở nhiều quốc gia.

Giá phân đạm trên thế giới dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2021

Theo AgroMonitor, nhiều yếu tố khiến giá bán phân bón tăng mạnh trong nửa đầu năm tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể:

Nguồn cung ứng urê xuất khẩu hạn chế ở nhiều nhà máy, tại nhiều khu vực trên thế giới do tăng cường hoạt động bảo dưỡng sau khi bị trì hoãn trong năm 2020 do yếu tố dịch Covid-19 sẽ góp phần duy trì giá bán của các nhà sản xuất trong giai đoạn 6 tháng tới.

Giá dầu, giá khí dự báo tiếp tục tăng do nhiều nước khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kéo theo nhu cầu cải thiện, nhưng ở chiều ngược lại sẽ tác dụng đẩy giá đầu vào tăng theo đối với các nhà sản xuất uê sử dụng nguyên liệu khí.

Cước vận tải biển chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn, đồng nghĩa giá bán phân bón cao hơn đến tay người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, góp phần giảm bớt nhu cầu tiêu thụ.

Tin bài liên quan