Gia nhập chuỗi sản xuất, bài toán lớn cho doanh nghiệp hậu Covid

Gia nhập chuỗi sản xuất, bài toán lớn cho doanh nghiệp hậu Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu do dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp trên thế giới vào tình thế khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi giá trị này nếu biết chớp thời cơ.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Lộc Trời chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang chiếm vị trí khá cao trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Theo ông Thuận, nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì có thể tạo ra yếu tố quyết định về giá và cung nông sản toàn cầu trên một số mặt hàng chủ chốt như lúa gạo cà phê, tiêu, điều và một số mặt hàng nông - thủy sản khác, từ đó nâng mức giá trị gia tăng thu về cho Việt Nam.

“Khi đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn quốc tế, những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, tiêu, điều và lúa gạo xuất khẩu có thể tăng được 30-100 USD/tấn.

Riêng với sản xuất lúa gạo, ước tính cả nước 1 năm sản xuất được 42 triệu tấn lúa, mà mỗi tấn tăng 30 USD thì giá trị gia tăng sẽ lên tới trên 1 tỷ USD so với giá trị xuất khẩu hiện nay.

Thậm chí, nếu đáp ứng tốt truy xuất nguồn gốc thì các công ty chế biến cháo, mì, bún, miến, sản xuất bột có thể xuất khẩu với giá rất cao vào thị trường EU”, ông Thuận tính toán.

Cơ hội là lớn, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều tồn tại khiến việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia là bài toán không dễ giải trong ngày một, ngày hai đối với phần lớn doanh nghiệp Việt.

Ông Lê Cảnh Dương, Tổng giám đốc Công ty VPMS, doanh nghiệp đã tham gia chuỗi cung ứng của Panasonic cho biết, khi gặp các đơn hàng lớn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam thường rất e dè. Theo ông Dương, doanh nghiệp cần bình tĩnh để xử lý từng yêu cầu của bên mua hàng thì mới có thể thành công.

Ông Phạm Duy Nhất, Tổng giám đốc Công ty JAT cũng cho hay, do chưa đủ quyết tâm và kiên nhẫn nên doanh nghiệp Việt chưa thể thuyết phục đối tác, đó là chưa kể các rào cản về vốn, máy móc, thiết bị…

“Đầu tư vài chục, vài trăm tỷ đồng mà không biết chắc có đơn hàng hay không là câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi với doanh nghiệp”, ông Nhất chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế, bà Hoàng Thu Thủy, Phó tổng giám đốc bộ phận Mua hàng toàn cầu thuộc Panasonic Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực hoàn thiện và đảm bảo duy trì bền vững các quy trình, quy chuẩn quốc tế.

“Các doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy do tác động của dịch bệnh như hiện nay. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập vào các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện tiêu chuẩn lựa chọn đối tác là rất rõ ràng, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng được, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình thì có thể tham gia vào chuỗi”, bà Thủy phân tích.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng Phát triển nhà cung cấp của Apex Tool Group cũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp Việt phải tự tin, có mong muốn, hoài bão chinh phục, dám chấp nhận rủi ro để quốc tế hóa, từ đó mới chủ động nâng cao quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực.

“Hiện Covid-19 đang ‘đóng băng’ nền kinh tế thế giới, đây là cơ hội hiếm có cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện hệ thống, đẩy mạnh nghiên cứu và hoàn thiện ứng dụng các quy trình tiêu chuẩn quốc tế để có thể trở thành các mắt xích thay thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Trung thì cho rằng doanh nghiệp trong nước nên kết nối với nhau để sản xuất, hình thành chuỗi.

“Minh Trung hiện tập trung vào 5 lĩnh vực, trong đó 2 lĩnh vực chủ chốt là cháo ăn liền và cà phê để xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản. Với lĩnh vực sản xuất cháo ăn liền, chúng tôi rất cần bao bì nên mong muốn hợp tác được với các doanh nghiệp lĩnh vực này. Liên kết thành chuỗi được thì chúng ta sẽ làm được, không còn là mơ hồ đi tìm lời giải nữa”, ông Minh gợi mở.

Tin bài liên quan