Cán bộ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV I kiểm tra rượu ngoại nhập khẩu.

Cán bộ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV I kiểm tra rượu ngoại nhập khẩu.

Giả mạo chứng từ để nhập khẩu rượu ngoại

Theo kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc đã có hành vi giả mạo, sử dụng chứng từ không hợp pháp để mở 4 tờ khai nhập kho ngoại quan 349 kiện rượu ngoại.

Mới đây Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan đã có Quyết định số 14/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại kho ngoại quan của Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc, có trụ sở tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra (C46)-Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lí theo quy định.

 

Thay đổi hồ sơ để “lách luật”

 

Một cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, để nhập khẩu (NK) lô hàng rượu ngoại bao gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Bleu và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP, có trị giá 176.869,58 USD, Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc (sau đây gọi tắt là Công ty Sao Bắc) đã tìm mọi thủ đoạn để “lách luật”.

 

Ngay sau khi tờ khai thứ nhất số 310/KNQ/C20D cho lô hàng trên không được Hải quan Hải Phòng chấp nhận cho lấy hàng, để hợp thức hóa việc mở 3 tờ khai 311/KNQ/C20D, 312/KNQ/C20D và 313/KNQ/C20D, DN đã thay đổi hồ sơ, kí thêm hai phụ lục hợp đồng với đối tác, trong đó thay đổi điều kiện giao hàng.

 

Theo diễn biến vụ việc, ngày 17-6-2013, Công ty Sao Bắc mở tờ khai số 310/KNQ/C20D cho lô hàng rượu thuộc vận đơn số CSPU3121880 ngày 9-6-2013 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Lân-Cục Hải quan Quảng Ninh, hồ sơ mở tờ khai gồm: Hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-04WI/SB-BT, chủ hàng là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bách Tùng (gọi tắt là Công ty Bách Tùng), chủ kho ngoại quan là Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc.

 

Theo khai báo tại tờ khai, hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Bleu (lô hàng này Công ty Bách Tùng mua của Công ty Freewheel Trading Limited, có địa chỉ tại Hongkong) và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP (Công ty Bách Tùng mua của một DN có địa chỉ tại Belize), có trị giá 176.869,58 USD. Tuy nhiên, tờ khai này đã không được Hải quan Hải Phòng chấp nhận cho lấy hàng để đem về kho ngoại quan.

 

Ngay sau đó Công ty Bách Tùng đã thay đổi hồ sơ, kí thêm 2 phụ lục hợp đồng vào ngày 18-6-2013 thay đổi điều kiện giao hàng từ CFR thành EXW International Northern Star Co., ltd Bonded Warehouse (giao hàng tại kho ngoại quan của Công ty Sao Bắc) từ đó chuyển đổi chủ sở hữu lô rượu trên thành Công ty Freewheel Trading Limited, có địa chỉ tại Hongkong và Công ty Silk Road INC, có địa chỉ tại Belize.

 

Sau đó, hai công ty này kí hợp đồng thuê kho ngoại quan của Công ty Sao Bắc và Công ty Sao Bắc tiếp tục sử dụng vận đơn số CSPU3121880 và bộ chứng từ kí với hai đối tác nước ngoài để mở 2 tờ khai số 311/KNQ/C20D và 312/KNQ/C20D ngày 19-6-2013 nhập kho ngoại quan cho lô hàng rượu.

 

Trong hồ sơ có xuất trình 2 hợp đồng thuê kho ngoại quan, hợp đồng số 13-06WI/NS-BW thể hiện chủ hàng là Công ty Freewheel Trading Limited, hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Bleu, trị giá 48.184 USD và hợp đồng số 13-05WI/NS-BW thể hiện chủ hàng là Công ty Silk Road INC, hàng hóa gồm 311 kiện rượu Remy Martin VSOP, trị giá 128.658,58 USD. Tuy nhiên, khi Công ty Sao Bắc đến Hải Phòng làm thủ tục để đưa hàng vào kho ngoại quan thì Hải quan Hải Phòng vẫn không chấp nhận và yêu cầu DN phải tách hàng hóa ra.

 

Ngày 20-6-2013, Công ty Sao Bắc tiếp tục mở tờ khai số 313/KNQ/C20D để nhập kho ngoại quan cho lô hàng trên, xuất trình hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-07WI/NS-BW, trên hợp đồng thể hiện chủ hàng là Công ty Silk Road INC, hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Conrdon Bleu (tại hồ sơ xuất trình để đăng kí tờ khai số 310/KNQ/C20D chủ hàng là Công ty Bách Tùng mua của Công ty Freewheel Trading Limited) và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP (chủ hàng là Công ty Bách Tùng mua của Công ty Silk Road INC), tổng trị giá cả lô hàng là 176.869,58 USD.

 

Tại tờ khai này, DN xuất trình vận đơn số CSPU3121880, nhưng trên vận đơn này không thể hiện thông tin về người nhận hàng và hình thức thanh toán như vận đơn do hãng tàu xác nhận phát hành, hợp đồng thuê kho ngoại quan thuộc tờ khai này thể hiện chủ hàng là Công ty Silk Road INC.

 

1 lô hàng có tới 3 chủ sở hữu (?)

 

Qua điều tra, xác minh, căn cứ tài liệu đã thu thập được, cơ quan Hải quan nhận thấy, cùng một lô hàng thuộc vận đơn số CSPU3121880 nhưng trong 1 ngày có tới 4 hợp đồng thuê kho ngoại quan, mỗi hợp đồng lại có chủ sở hữu khác nhau. Cụ thể, tại hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-04WI/SB-BT chủ hàng là Công ty Bách Tùng; tại hợp đồng số 13-06WI/NS-BW chủ hàng là Công ty Freewheel Trading Limited; tại hợp đồng số 13-05WI/NS-BW và 13-07WI/NS-BW chủ hàng là Công ty Silk Road INC.

 

Làm việc với cơ quan Hải quan, đại diện Công ty Bách Tùng cho biết đã kí thêm 2 phụ lục hợp đồng với đối tác ngày 18-6, trong đó thay đổi điều kiện giao hàng cho lô hàng trên. Tuy nhiên, các hợp đồng thuê kho ngoại quan do các đối tác này đứng tên chủ hàng lại được kí ngày 14-6-2013, cho thấy sự bất hợp lí về mặt hồ sơ, chứng từ do chính các DN cung cấp.

 

Vì nếu DN có kí phụ lục thay đổi điều kiện giao hàng thật thì phải từ ngày 18-6-2013, lô hàng mới thuộc sở hữu của hai đối tác nước ngoài là Freewheel Trading Limited và Silk Road INC và cũng phải từ ngày 18-6 hai đối tác này mới có thể kí hợp đồng thuê kho ngoại quan với tư cách là chủ hàng, nhưng các hợp đồng thuê kho ngoại quan do các đối tác nước ngoài kí với Công ty Sao Bắc đều được kí vào ngày 14-6-2013, trước ngày lô hàng được chuyển quyền chủ sở hữu.

 

Khai báo vòng vo

 

Sau một thời gian điều tra, xác minh, kết quả cho thấy, cùng một vận đơn số CSPU3121880 vận đơn do Công ty Sao Bắc nộp để làm thủ tục mở các tờ khai số 310, 311, 312, 313 lại không thể hiện thông tin về người nhận thông báo. Ngoài ra, tại biên bản làm việc cũng cho thấy, vận đơn do Công ty Sao Bắc xuất trình để nhận hàng và làm thủ tục chuyển cảng là do Chi nhánh Công ty TNHH giao nhận vận tải Sao Thái Bình Dương cung cấp, còn vận đơn Công ty Sao Bắc làm thủ tục mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân là do phía đối tác nước ngoài cung cấp. Theo quy định, việc phát hành vận đơn là do hãng tàu hoặc đại lí vận tải thực hiện, mỗi lô hàng với cùng số và ngày vận đơn, hãng tàu hoặc đại lí vận tải chỉ phát hành một bộ vận đơn duy nhất.

 

Làm việc với cơ quan Hải quan, đại diện Công ty Sao Bắc khẳng định, hợp đồng thuê kho ngoại quan giữa DN và Công ty Silk Road INC được kí qua fax do bị lỗi không đầy đủ thông tin nên hai bên đã kí lại qua mail (sau 2 đến 3 ngày DN xóa đi để tránh nhầm lẫn với các lô hàng khác), invoice, packing list, vận đơn để làm thủ tục mở tờ khai số 313 do chủ hàng nước ngoài gửi cho DN theo fax.

 

Tuy nhiên, đại lí của hãng vận chuyển Federated Cargo Line Pte Ltd là Công ty giao nhận vận tải khẳng định không cung cấp vận đơn số CSPU3121880 mà không có thông tin về người nhận thông báo, điều kiện thanh toán cước phí cho Công ty Sao Bắc và xác nhận, đến thời điểm giao hàng cho đối tác, vận đơn này chưa từng được sửa chữa, điều chỉnh theo bất kì yêu cầu nào từ phía người gửi hàng.

 

Bên cạnh đó, Công ty Sao Bắc cũng khẳng định invoice, packing list, vận đơn được các đối tác nước ngoài gửi qua fax nhưng kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự-Bộ Công an lại cho biết, các chứng từ trên không phải được photo từ bản fax và cả 8 tài liệu giám định đều kết luận mẫu dấu và chữ kí “Alex chen” được photo từ cùng 1 bản gốc. Mặt khác, khi sao y, Công ty chỉ được sao y, đóng dấu sao y từ bản chính, nhưng thực tế không có bản chính bất kì chứng từ nào, do đó việc sao y là không đúng.

 

Căn cứ vào kết quả điều tra xác minh, xác nhận của đại lí hãng vận tải và kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự-Bộ Công an đủ cơ sở kết luận toàn bộ hồ sơ, chứng từ gồm vận đơn, invoice, hợp đồng thuê kho ngoại quan, thư ủy quyền nhận/xuất hàng... mà DN xuất trình để mở tờ khai số 313/KNQ/C20D là giả mạo, vụ việc vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội buôn lậu theo Điều 153 của Bộ luật Hình sự.

>> Esprinta Việt Nam giả mạo hồ sơ để buôn lậu

>> Halico kiếm lãi bao nhiêu nhờ buôn lậu?

>> Nghi án Halico xuất khống rượu sang Lào, chiếm tiền hoàn thuế