Nghị định 52/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngay mà không cần thông tư hướng dẫn.
Việc Nghị định 52/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngay mà không cần thông tư hướng dẫn đã cho thấy, Chính phủ không muốn chậm từng giây, từng phút trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Hơn ai hết, ngành tài chính rất hiểu hiệu quả cũng như tác dụng của chính sách gia hạn tiền thuế đối với doanh nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã gửi công điện khẩn đến cơ quan thuế các địa phương chỉ đạo phải triển khai ngay.
Vài ngày sau, ngày 23/4/2021, tức là chỉ hơn một tuần sau khi nhận bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, đích thân ông Hồ Đức Phớc đã làm việc với Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành thuế, bên cạnh nhiệm vụ quản lý thuế, thu vượt dự toán, phải tập trung nhiệm vụ “giải cứu doanh nghiệp”.
Có lẽ, cũng chưa bao giờ, ngành thuế lại đặt niềm tin vào doanh nghiệp cao như việc triển khai Nghị định 52/2021/NĐ-CP.
Thay vì phải làm hồ sơ với nhiều loại giấy tờ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp chỉ việc gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo mẫu có sẵn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần duy nhất bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy (có thể gửi qua dịch vụ bưu chính).
Trường hợp có các khoản được gia hạn thuộc nhiều cơ quan thuế khác nhau, doanh nghiệp cũng chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Công việc còn lại thuộc trách nhiệm của ngành thuế.
Hẳn nhiên, sau khi “click” gửi Giấy đề nghị, doanh nghiệp sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế, mà không cần phải thấp thỏm chờ đợi cơ quan thuế trả lời là có được gia hạn hay không như nhiều thủ tục hành chính thuế khác.
Hành động nhanh chóng, kịp thời của ngành tài chính, cũng như việc áp dụng các thủ tục hành chính thuế đơn giản tới mức không thể đơn giản hơn đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Đặc biệt, chính sách gia hạn tiền thuế năm nay còn lan tỏa rộng hơn khi hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được bổ sung vào đối tượng gia hạn tiền thuế.
Ngay những ngành nghề từng gây khá nhiều tranh cãi về việc nên hay không nên gia hạn tiền thuế trong thời gian xây dựng Nghị định 52/2021/NĐ-CP, như sản xuất đồ uống hay những ngành nghề, lĩnh vực ít bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 như dịch vụ tư vấn; sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải… từng được “nâng lên, đặt xuống” khi xây dựng Nghị định 52/2021/NĐ-CP, cuối cùng cũng được gia hạn tiền thuế.
Đối phó với đại suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra, không chỉ Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng gói tài khóa, trong đó có việc gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Số liệu từ các tổ chức tài chính quốc tế cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Hoa Kỳ đã sử dụng gói tài khóa trị giá 14,5% GDP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Liên minh châu Âu (EU) xuất gói tài khóa trị giá 3,25% GDP (chưa kể Chính phủ các nước thành viên EU thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản khác lên tới 20% GDP). Nhật Bản đã và tiếp tục tung ra gói tài khóa trị giá 23,7% GDP; Trung Quốc hỗ trợ gói tương đương 4,7% GDP.
Các nước ASEAN, tùy thuộc vào mức độ “rủng rỉnh” của ngân sách nhà nước, các gói cứu trợ cũng dao động từ 3% đến 4,5% GDP. Riêng Việt Nam, tổng gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid -19 trong năm 2020 là 117.500 tỷ đồng (chưa đến 1,5% GDP).
Nếu trừ số tiền thuế gia hạn đã được doanh nghiệp hoàn trả ngân sách nhà nước, thì gói tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương đương 0,83% GDP.
Đánh giá cao nỗ lực chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của Chính phủ, nỗ lực của ngành tài chính trong việc tiếp tục gia hạn tiền thuế, nhưng trên thực tế, gói tài khóa dự kiến 115.000 tỷ đồng chỉ là cho doanh nghiệp “mượn đỡ” khoảng 4 tháng. Như vậy, thực chất gói tài khóa lần này chỉ vào khoảng 3.900 tỷ đồng.
Nếu cộng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng từ giảm các loại thuế, phí, lệ phí, thì gói hỗ trợ tài chính chỉ khoảng trên dưới 5.500 tỷ đồng, chưa đủ liều lượng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Chính vì vậy, ngoài gia hạn tiền thuế, đã đến lúc, Bộ Tài chính cần tính đến phương án tiếp tục thực hiện các gói tài khóa khác từng thực hiện trong năm 2020 như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân, gia hạn tiền thuế tiêu thụ đặc biệt...