Giá gạo thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp niêm yết nào hưởng lợi?

Giá gạo thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp niêm yết nào hưởng lợi?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá gạo thế giới có dấu hiệu bùng nổ giai đoạn đầu năm 2021, tiếp tục đà tăng so với năm trước.

Giá gạo thế giới tăng mạnh

Theo đó, dữ liệu Trading Economics cho thấy, từ đầu năm 2021 tới nay, giá gạo thế giới tăng hơn 9%, hiện đang giao dịch 13,1 USD/tạ.

Biểu đồ giá gạo (Đơn vị: USD/tạ)

Biểu đồ giá gạo (Đơn vị: USD/tạ)

Xu hướng giá gạo trên thế giới vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Nếu như đà tăng giá gạo tiếp tục được duy trì, điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp.

Ghi nhận trên thị trường vào tháng 12/2020, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã bắt đầu mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau ít nhất ba thập kỷ do nguồn cung từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam bị thắt chặt và đề nghị giảm giá mạnh. Năm 2020, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 14 triệu tấn gạo, dữ liệu tạm thời từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy.

“Các thương nhân cho biết, đại dịch toàn cầu cũng khiến Việt Nam và các quốc gia khác phải tích trữ gạo. Năm ngoái, Việt Nam tuyên bố sẽ dự trữ 270.000 tấn gạo để đảm bảo nguồn lương thực sẵn có trong bối cảnh chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra gián đoạn trên toàn thế giới. Chính vì vậy, nguồn cung đang có dấu hiệu bị thắt chặt tại nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới”, chuyên gia phân tích của Bloomberg đánh giá.

Với kịch bản các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới thắt chặt nguồn cung, tăng dự trữ và các quốc gia nhập khẩu cũng đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, điều này đảm bảo xu hướng tiếp tục tăng giá và giao dịch vùng giá cao trong thời gian sắp tới của hàng hoá thiết yếu là gạo.

Trong nước, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 đạt sản lượng trên 6 triệu tấn, mang về 3,05 tỷ USD, tăng hơn 10% về trị giá và giảm 2% về lượng so với năm 2019. Trong năm 2020, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt trên 500 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ 9 năm trở lại đây. Các loại gạo khác như ST20, Jasmine… cũng có giá tốt, từ 600 - 1.000 USD/tấn.

Doanh nghiệp niêm yết nào được hưởng lợi?

Trên sàn chứng khoán hiện nay có rất ít doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu gạo, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX).

Tại LTG, đầu năm 2020, mảng lương thực - gạo ghi nhận doanh thu đạt 924,3 tỷ đồng, giá vốn là 886,2 tỷ đồng và lợi nhuận gộp là 38,1 tỷ đồng, chiếm 4% tổng lợi nhuận gộp.

Được biết, trong năm 2019, mảng lương thực - gạo của LTG ghi nhận lợi nhuận gộp là 30,4 tỷ đồng, chiếm gần 2% trong tổng lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, hai mảng giống và thuốc cũng đóng 2.935,6 tỷ đồng tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2020, chiếm gần 72% tổng doanh thu của LTG. Đây là các hoạt động liên quan thiết yếu tới ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực sản xuất gạo chiếm trọng số.

Đối với lúa, LTG có khách hàng trong nước và quốc tế đặt cố định vào các tháng 2, 6 và 9 hàng năm, điều này giúp doanh nghiệp có hoạt động ổn định. Đặc biệt, trong môi trường giá gạo đang cho thấy xu hướng tăng, nếu như việc xuất khẩu tiếp tục thuận lợi, điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian tới.

Bước sang năm 2021, Lộc Trời cũng có đơn hàng đều đặn từ đầu năm. Năm nay, Lộc Trời chú trọng các đơn hàng xuất sang EU với các loại gạo thơm như Jasmine 85 để được hưởng thuế ưu đãi 0% theo EVFTA. Ngoài ra, tập đoàn này vừa sản xuất thành công 400 tấn lúa đạt tiêu chuẩn xuất đi Mỹ thông qua Dự án do Lộc Trời chủ trì với sự tham gia canh tác của 31 hộ nông dân trên tổng diện tích 65 ha.

Biểu đồ giá cổ phiếu LTG

Biểu đồ giá cổ phiếu LTG

Giá cổ phiếu LTG có xu hướng tăng mạnh theo đà hồi phục của thị trường, tính tới ngày 18/1 đang giao dịch vùng giá 28.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá P/E là 9,33 lần. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu LTG chỉ mới tăng từ cuối tháng 11/2020 tới nay, tương ứng giá cổ phiếu tăng từ vùng 23.000 đồng lên 28.300 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 23%.

Tại AFX, lĩnh vực xuất khẩu gạo tiếp tục là trọng tâm của doanh nghiệp trong những năm qua và thời gian sắp tới.

Cụ thể, trong năm 2018, doanh nghiệp xuất khẩu 10.311,75 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu 4,33 triệu USD; năm 2019 xuất khẩu 3.012 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu 1,09 triệu USD. Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch xuất khẩu 15.000 tấn gạo (hiện chưa có con số chốt của năm 2020).

Được biết, trong năm 2019, theo chia sẻ AFX tại ĐHĐCD năm 2020, hoạt động xuất khẩu gạo của Công ty gặp khó khăn do bất lợi của thị trường, nhất là các thay đổi về chính sách trong kinh doanh lúa gạo của các nước nhập khẩu, từ đó đã làm sản lượng sản xuất và tiêu thụ mặt hàng lúa gạo giảm mạnh.

Biểu đồ giá cổ phiếu AFX

Biểu đồ giá cổ phiếu AFX

Cổ phiếu AFX kể từ cuối tháng 11/2020 tăng từ 8.500 đồng/cổ phiên lên 13.800 đồng/cổ phiếu (ngày 18/01), tương ứng tăng 62,4%. Sau khi trải qua giai đoạn tăng mạnh, định giá cổ phiếu đang giao dịch vùng P/E là 59,43 lần, tương đối cao so với LTG và với thị trường.

Được biết, tính tới ngày 18/01, theo dữ liệu của Bloomberg, P/E của VN-Index đang là 19,9 lần, thấp hơn đỉnh lịch sử tháng 4/2018 là 22 lần. Như vậy, mức định giá hiện tại của LTG đang thấp hơn thị trường, trong khi AFX thì đang cao hơn khá nhiều so với thị trường.

Có thể thấy, với việc giá gạo tiếp tục trên đà tăng giá mạnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam hưởng lợi trực tiếp và kỳ vọng sẽ kéo dài trong giai đoạn kinh tế toàn cầu trong giai đoạn bất định do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi.

Tin bài liên quan