Giả định hợp nhất PVF - Western Bank

Giả định hợp nhất PVF - Western Bank

Nhóm cổ đông cũ nắm giữ 90% cổ phần của Ngân hàng Phương Tây (Western Bank - WEB) đã đàm phán xong việc bán lại tỷ lệ này cho nhóm cổ đông mới với giá bằng mệnh giá.

> PVFC "bén duyên" cùng Western Bank

  Việc chuyển nhượng đang trình NHNN phê duyệt.

 

Nếu được chấp thuận, toàn bộ số tiền có được 2.700 tỷ đồng sẽ được nhóm cổ đông cũ trả nợ cho chính WEB, giảm dư nợ tín dụng, đồng thời bổ sung tài sản đảm bảo cho một số khoản vay còn lại.

 

Việc tái cơ cấu ngân hàng WEB đã bắt đầu như thế. Nhưng ít ai biết rằng trước và sau động thái ấy, điều gì đã và sắp diễn ra ở ngân hàng.

 

 

2.700 tỷ đồng tiền tươi thóc thật

 

Mười hai năm sau ngày thành lập, năm 2004 ngân hàng nông thôn Cờ Đỏ được chuyển thành ngân hàng Miền Tây – một cái tên mĩ miều – với số vốn điều lệ 22,9 tỷ đồng. Bốn năm sau đó WEB nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng và cả hai năm 2008-2009 đều được NHNN xếp hạng A.

 

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu từ năm 2010 WEB không chịu áp lực phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng theo qui định của cơ quan quản lý và cũng từ đây áp lực lợi nhuận đè nặng lên vai lãnh đạo ngân hàng.

 

WEB đã không chỉ gia tăng mạnh tín dụng trong một thời gian ngắn, mà còn tập trung dư nợ vào một số khách hàng vốn có quan hệ với cổ đông ngân hàng dưới các hình thức tiềm ẩn rủi ro như mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư. Báo cáo tài chính năm 2011 của WEB cho thấy nợ xấu của ngân hàng là 1,2%, nhưng theo Thanh tra NHNN, tỷ lệ này cao hơn nhiều và nếu trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, lợi nhuận âm, vốn chủ sở hữu của WEB thâm hụt khoảng 20%.

 

Đó là lý do giải thích vì sao WEB nằm trong diện tái cơ cấu và bước thực hiện đầu tiên là thay đổi cơ cấu cổ đông nhằm bảo toàn được vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đồng thời lành mạnh hóa chất lượng tài sản. Các cổ đông mới phải chứng minh họ có đủ năng lực tài chính, mà cụ thể là chắc chắn có nguồn tiền chuyển nhượng cổ phần để giảm dư nợ của nhóm cổ đông cũ.

 

Với 2.700 tỷ đồng tiền tươi thóc thật WEB sẽ không còn nợ xấu và giá trị tài sản đảm bảo được nâng lên. Ngần ấy tiền mặt không phải nhiều nhặn gì đối với những tổ chức tín dụng tầm cỡ, nhưng với những ngân hàng qui mô nhỏ, nó có thể biến WEB thành một ngân hàng có quỹ tiền mặt dồi dào và sạch sẽ.

 

Trong môi trường M&A hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và sạch thường thu hút những nhà đầu tư, bởi người ta có thể nhanh chóng phát triển nó bằng nguồn tài chính mới, quản trị mới, công nghệ mới.

 

 

Không thể mua, nhưng có thể hợp nhất

 

Trong khi WEB đang tái cấu trúc, thị trường đã rì rầm tin đồn Tổng công ty tài chính dầu khí (PVF) mua lại ngân hàng này. Chuyện mua bán là không thể xảy ra, đơn giản vì công ty tài chính, theo qui định, không được phép mua ngân hàng thương mại. Tuy nhiên nếu cả hai sáp nhập theo qui định của Luật Các tổ chức tín dụng để trở thành một ngân hàng ổn định, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, thì có lẽ cơ quan quản lý cũng không thể không xem xét.

 

Hãy giả định WEB và PVF sáp nhập, những giả thiết gì có thể đến?

 

PVF có tổng tài sản lớn, tới 91.085 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm ngoái, vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, có cổ đông chiến lược nước ngoài Morgan Stanley nắm giữ 10%. Song PVF không có chức năng huy động tiền gửi ngắn hạn, nhận tiền gửi của dân cư, thực hiện nghiệp vụ thanh toán…

 

Sự hạn chế như vậy bó hẹp khả năng phát triển, tăng cường hiệu quả hoạt động của tổng công ty. WEB lại có đầy đủ chức năng của một ngân hàng thương mại, nhưng khả năng tài chính có hạn. Nguồn vốn nhỏ khiến WEB không thể cung cấp hạn mức tín dụng lớn cho khách hàng, khó có thể tham gia tài trợ các dự án mang lại hiệu quả cao và nhất là chưa thể mở mang mạng lưới, đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại.

 

Hợp nhất với nhau, giả sử với tỉ lệ 1:1, tức một cổ phiếu của WEB bằng một cổ phiếu của PVF, PVF-WEB có thể trở thành một ngân hàng có vốn chủ sở hữu 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản 105.000 tỷ đồng, ngang bằng một ngân hàng TMCP tầm cỡ hiện nay. Đây rõ ràng là một phương án tối ưu mà cả hai đều mong muốn được phép tiến hành.

 

Việc tái cơ cấu WEB và hợp nhất WEB-PVF phải được đặt dưới sự giám sát của NHNN. Những yêu cầu về xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng sẽ được giải quyết, kể cả nợ mà WEB cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

 

Một khi được NHNN bật đèn xanh và nợ nần đã sạch, trước khi đặt bút ký hợp đồng hợp nhất, cả hai sẽ còn một thủ tục phải làm là định giá lại tài sản đảm bảo thông qua các tổ chức định giá độc lập. WEB, theo nguồn tin của người viết, đã thuê tổ chức định giá độc lập xác định giá trị những tài sản lớn như khu công nghiệp Tân Đức…

 

Cuộc hợp nhất PVF-WEB, nếu có, sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng. Do đó rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Các bên hợp nhất mong muốn được vay từ nguồn tái cơ cấu của NHNN với lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn để duy trì thanh khoản của ngân hàng hợp nhất ở mức an toàn.

 

Ngoài ra, cũng giống như NHNN đã từng áp dụng trước đây với những tổ chức tín dụng mới phục hồi, PVF-WEB có thể được thực hiện cơ chế dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền đồng, 50% bằng giấy tờ có giá. Một số tổ chức tín dụng sau sáp nhập đều được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm. PVF-WEB có lẽ cũng không là ngoại lệ.