Pháp mặc dù thường là nước xuất khẩu điện nhưng đang tăng cường nhập khẩu điện và thậm chí đốt dầu làm nhiên liệu. Cuộc khủng hoảng điện xảy ra sau khi Electricite de France SA (EDF) cho biết họ sẽ ngừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân chiếm 10% công suất của quốc gia, làm căng thẳng các lưới điện vốn đang phải đối phó với thời tiết lạnh giá.
Theo thông tin từ Mạng lưới các nhà khai thác hệ thống truyền tải của châu Âu (Entsoe), tổng cộng có 6 nhóm máy chạy bằng dầu bắt đầu được sử dụng tại Pháp vào thứ Ba (21/12).
Fabian Ronningen, nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết: “Điều này đang minh họa mức độ nghiêm trọng như thế nào khi họ thực sự bắt đầu đốt dầu nhiên liệu và nhập khẩu từ tất cả các quốc gia này. Tất cả việc bảo trì đột xuất cũng gây ra chi phí cung ứng cực kỳ cao, điều này được phản ánh trong giá thị trường”.
Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng với các cơ sở sản xuất phụ thuộc vào than và thậm chí là dầu mỏ. Khoảng 30% công suất hạt nhân của Pháp sẽ ngừng hoạt động vào đầu tháng 1, khiến thị trường năng lượng phải chịu ảnh hưởng của thời tiết. Tệ hơn nữa, Đức sắp đóng cửa gần 50% công suất hạt nhân trước cuối năm nay.
Giá năng lượng của Đức giao trong năm tới đã tăng 6,8% lên 270 euro/megawatt giờ do giá khí đốt tăng sau khi các chuyến hàng từ Nga qua một đường ống quan trọng đổi hướng, thay vào đó là khí đốt chảy về phía Đông sang Ba Lan. Điều đó đang khiến châu Âu khó có nhiên liệu để sản xuất điện hơn.
Cuộc khủng hoảng điện trầm trọng đến mức Chính phủ Pháp đã yêu cầu EDF khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân sớm hơn kế hoạch. Bộ trưởng Bộ Sinh thái Barbara Pompili cho biết vào cuối tuần qua rằng, ngoài việc các lò phản ứng sớm khởi động lại, nước này đã ký hợp đồng với một số công ty mà họ đồng ý cắt giảm sản lượng sản xuất để giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm để đổi lấy các ưu đãi từ Chính phủ.
Giá năng lượng cao hơn đe dọa làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế của châu Âu cũng như lo ngại khi biến thể omicron đang lan rộng. Trong khi đó, công ty kinh doanh đa kim loại Nyrstar sẽ tạm dừng sản xuất tại nhà máy luyện kẽm ở Pháp vào tuần đầu tiên của tháng 1 vì giá điện tăng. Nhà sản xuất phân bón Na Uy Yara Internationa đã hạn chế sản lượng đầu năm nay cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và cắt giảm sản lượng khi cần thiết.
Thời tiết băng giá trong tuần này cũng khiến giá điện ngắn hạn tăng cao do năng lượng tái tạo không thể theo kịp. Sản lượng gió của Đức giảm xuống mức 2.277 megawatt vào thứ Ba (21/12), mức thấp nhất kể từ ngày 16/11.