Giá dầu WTI vượt ngưỡng 80 USD theo sau cuộc khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (11/10), giá dầu WTI vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm rung chuyển thị trường.
Giá dầu WTI vượt ngưỡng 80 USD theo sau cuộc khủng hoảng năng lượng

Giá nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên đang tăng vọt ở châu Âu và châu Á, thúc đẩy sự chuyển đổi sang các sản phẩm dầu như dầu diesel và dầu hỏa.

Giá dầu WTI đã tăng gần 30% kể từ giữa tháng 8 khi cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng. Saudi Aramco ước tính, tình trạng thiếu khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs dự báo, mức tiêu thụ thậm chí còn tăng cao hơn. Lo ngại càng gia tăng sau khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, họ không có kế hoạch khai thác nguồn dự trữ dầu của quốc gia "vào thời điểm này".

Bên cạnh đó, quyết định vào tuần trước của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) nhằm bám sát kế hoạch chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 11 đã khiến thị trường dầu càng thắt chặt.

Nhiều nhà phân tích trước đó đã dự đoán, OPEC+ sẽ tăng thêm sản lượng ra thị trường do khủng hoảng năng lượng.

Daniel Hynes, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ cho biết: “Quyết định của OPEC trong việc kìm hãm sản lượng tăng hơn dự kiến ​​có thể khiến thị trường thắt chặt hơn nữa trong quý IV, khi nhu cầu tiếp tục tăng lên”.

Tuy nhiên, có khả năng các dấu hiệu tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ giảm bớt một số áp lực về nhu cầu đối với dầu thô. Goldman đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay và năm tới do sự phục hồi chậm trễ trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Goldman cho biết trong một lưu ý rằng, GDP của Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2022, giảm so với ước tính 4,4% trước đó.

Trong khi đó, Iran vào cuối tuần cho biết rằng, họ có kế hoạch cung cấp dầu và khí ngưng tụ cho “bất kỳ nhà đầu tư nào” để đổi lấy hàng hóa hoặc vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mà quốc gia này đang bị trừng phạt.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận bị đình trệ để đạt được một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này để cho phép Iran bắt đầu xuất khẩu dầu chính thức trở lại. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, những tuần tới sẽ mang tính quyết định đối với chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời thúc giục Tehran quay lại bàn đàm phán.

Tin bài liên quan