Giá dầu tiếp tục là ẩn số với BSR

Giá dầu tiếp tục là ẩn số với BSR

(ĐTCK) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế về 1.238,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế về 1.165,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm và dự kiến lợi nhuận năm 2020 tương đương mức thực hiện năm 2019 cho thấy, BSR e ngại về triển vọng giá dầu.

Chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm ở mức thấp

Chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm bán ra năm 2018 ở mức thấp, mức chênh lệch này trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng ở mức thấp so với kế hoạch 2019, vốn được đặt ra thận trọng.

Giá dầu tiếp tục là ẩn số với BSR  ảnh 1

Cụ thể, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với dự báo. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm và tháng 6/2019, có những thời điểm giá xăng Mogas A92/A95 thấp hơn giá dầu thô.

Do đó, lợi nhuận của các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều và lợi nhuận của BSR trong tháng 1 và tháng 6/2019 bị âm, lợi nhuận tháng 2/2019 không đáng kể.

Bên cạnh đó, từ tháng 4 đến tháng 8/2019, giá dầu thô luôn giảm; tháng 9, giá có xu hướng nhích lên nhưng lại quay đầu giảm trong tháng 10.

Điều này dẫn đến kết quả sản xuất - kinh doanh của BSR bị ảnh hưởng bởi yếu tố tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.

Nhìn lại 11 tháng đầu năm 2019, đáng lưu ý là các dự báo về giá dầu của nhiều tổ chức đều kém chính xác.

Chẳng hạn, trong báo cáo tháng 10 về triển vọng năng lượng ngắn hạn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, giá dầu Brent giao ngay sẽ đạt trung bình 59 USD/thùng trong quý IV/2019, tương đương với mức giá trên thị trường từ đầu tháng 10. Nhưng ngay sau đó, giá dầu giảm khá mạnh.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra dự báo, nhu cầu dầu năm 2020 sẽ không đổi so với năm 2019.

Tuy các nước thuộc OPEC cắt giảm sản lượng, nhưng các nước ngoài OPEC, trong đó có Mỹ lại gia tăng sản lượng khai thác, đặc biệt là Mỹ tăng mạnh sản lượng khai thác dầu đá phiến, trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn.

Nguồn cung cao hơn nhiều nhu cầu khiến giá dầu khó có thể bật tăng, triển vọng giá dầu thấp nhiều khả năng sẽ tái diễn.

Kịch bản giá dầu thấp có lẽ đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và BSR dự liệu (PVN đã chấp thuận điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2019 của BSR), bởi vậy trong kế hoạch năm 2020, BSR đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ tương đương mức thực hiện năm 2019.

Ước thực hiện sản lượng cả năm 2019, BSR đạt gần 6,9 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch; doanh thu ước đạt 100.891 tỷ đồng, vượt 3,2% kế hoạch; nộp ngân sách đạt 9.458 tỷ đồng, vượt 2,8% kế hoạch.

Riêng chỉ tiêu sản lượng, BSR đã “về đích sớm” 26 ngày, đạt 6,46 triệu tấn vào ngày 5/12/2019.

Cũng cần lưu ý là năm 2020, BSR sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 51 ngày (từ 12/6 - 1/8) nên kế hoạch sản xuất - kinh doanh dự kiến: sản lượng 5,56 triệu tấn, doanh thu (ở giá dầu 60 USD/thùng) 80.686 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.405 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.183 tỷ đồng, là mục tiêu không hề thấp.

Cần sự chủ động, linh hoạt

Trong tháng 11/2019, tàu GT EQUALITY của Công ty BB Energy (Singapore) đã cập cảng Dung Quất và nhận 6.000 tấn dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Đây là chuyến xuất bán dầu MFO đầu tiên của nhà máy này.

Theo quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các loại tàu biển sử dụng nhiên liệu MFO, hoạt động trên hải phận quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn hàm lượng lưu huỳnh trong dầu MFO tối đa 0,5% khối lượng kể từ ngày 1/1/2020 (gọi tắt là IMO 2020), thay cho mức tiêu chuẩn tối đa 3,5% khối lượng hiện nay.

Trong bối cảnh này, BSR nhận thấy, sản phẩm dầu FO của BSR có hàm lượng lưu huỳnh thấp (dưới 0,5%) rất phù hợp để sản xuất MFO 0,5%. Sản phẩm dầu FO của BSR có sản lượng sản xuất khoảng 192.000 tấn/năm.

Việc sản xuất bán dầu MFO theo tiêu chuẩn IMO 2020 sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm FO.

Từ năm 2018, BSR đã thực hiện nghiên cứu sản phẩm MFO và đến tháng 9/2019, Công ty sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm MFO tại phòng thí nghiệm và đạt các yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt.

Sau thử nghiệm thành công, BSR đã gửi thư và nhận được phản hồi của 3 khách hàng trong nước và 5 khách hàng quốc tế quan tâm đến sản phẩm dầu MFO.

Hiện hệ thống phối trộn, kiểm soát chất lượng và hệ thống xuất bán sản phẩm MFO của BSR hoạt động hiệu quả, đảm bảo cho việc nâng cao sản lượng dầu MFO trong năm 2020, cung ứng cho khách hàng trong và quốc tế.

Tương tự là sự chủ động trong nguồn nguyên liệu, BSR và Công ty Socar Trading (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Azerbaijan) đã ký kết hợp đồng cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào cuối tháng 11.

Theo nội dung ký kết, Socar Trading sẽ cung cấp dầu thô Azeri cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong nửa đầu đầu năm 2020, với khối lượng 5 triệu thùng.

Trong các loại dầu thô nhập khẩu đã chế biến thì dầu Azeri có tỷ lệ phối trộn cao lên đến 60%. Trong các lần chào mua dầu thô nhập khẩu trước đây, dầu thô Azeri thường cho hiệu quả chế biến cạnh tranh hơn các loại dầu thô nhập khẩu khác.

Trên cơ sở hiệu quả chế biến của dầu thô Azeri và mức thuế nhập khẩu thông thường đối với mặt hàng dầu thô được điều chỉnh về 0%, BSR đã đưa loại dầu Azeri vào danh sách dầu thô chiến lược trong sản xuất - kinh doanh năm 2020 và các năm tiếp theo.

Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR, Azeri là một trong những loại dầu thô chiến lược cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bên cạnh các loại dầu thô WTI Midland, Bonny Light… có sản lượng lớn, chất lượng ổn định, tỷ lệ phối trộn cao, độ linh động cao về điều kiện giao dầu và điều kiện thương mại. Đây sẽ là một điểm thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trong năm 2020.

Biến động của cung - cầu dầu trên thị trường đòi hỏi BSR phải chủ động, linh hoạt trong tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm và tối ưu hóa công suất vận hành; tăng cường công tác điều độ nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm; lưu kho hợp lý để giảm thiểu tác động của giá; kiểm soát chi phí các khoản ngoài dầu thô như hóa phẩm xúc tác, chi phí chung,…

Giai đoạn 2020 - 2022, BSR dự kiến sản xuất 7,16 triệu tấn dầu nguyên liệu, 6,7 triệu tấn sản phẩm, lợi nhuận kế hoạch 6.400 tỷ đồng.

Nhu cầu xăng dầu trong nước được dự báo tăng 4%/năm đến năm 2025, đạt xấp xỉ 30 triệu tấn; so với khu vực, mức tiêu thụ xăng bình quân đầu người ở Việt Nam hiện rất thấp, 0,21 lít/người/ngày, trong khi ở Malaysia là 1,08 lít, Nhật Bản là 1,22 lít, Thái Lan là 2,29 lít.

Giá dầu tiếp tục là ẩn số với BSR  ảnh 2

Đáng ghi nhận là bức tranh tài chính, dòng tiền của BSR tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Báo cáo tài chính quý III/2019 của BSR cho thấy, tính đến 30/9/2019, tổng nợ vay chịu lãi chỉ còn 7.233,8 tỷ đồng, tương đương 14,3% tổng nguồn vốn. So với cuối năm 2018, số dư nợ vay chịu lãi hiện giảm 1.811 tỷ đồng.

Có được kết quả này là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR thặng dư 4.944 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Trong kỳ, công tác thu hồi các khoản phải thu đã ghi nhận kết quả khả quan. Giá trị các khoản phải thu từ khách hàng giảm mạnh từ 8.749 tỷ đồng đầu năm xuống còn 6.795 tỷ đồng.

Ngược lại, giá trị các khoản phải trả tăng thêm hơn 180 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho thay đổi không đáng kể, giúp vốn lưu động cải thiện tích cực, qua đó tác động lên dòng tiền.

Dư nợ giảm giúp chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay theo đó giảm mạnh. Tính riêng trong quý III/2019, lãi vay BSR phải trả giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng với diễn biến thuận lợi của tỷ giá, tổng cộng BSR đã thu về 59 tỷ đồng lợi nhuận tài chính trong quý III năm nay, đảo chiều so với mức lỗ 250 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Dư nợ vay của BSR bằng USD nguyên giá còn lại là 312,4 triệu USD. Từ đầu năm 2019 đến nay, VND được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực, dự báo sẽ được duy trì ổn định trong vòng 2 năm tới, nhờ nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, lãi suất, lạm phát được kiểm soát, giúp giảm thiểu áp lực tỷ giá ảnh hưởng đến lợi nhuận của BSR.

Tin bài liên quan