Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, CPI tháng 5 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng 4, đúng như dự báo. CPI tháng trước tăng 0,3%.
Dữ liệu lạm phát vừa công bố càng củng cố thêm kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới, khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Ngân hàng là lĩnh vực được cho là sẽ có lợi khi lãi suất tăng.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên thứ Tư là nhóm năng lượng khi chỉ số S&P năng lượng giảm 1,4% do giá dầu thô lao dốc.
Bên cạnh đó, giọng điệu cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng khiến giới đầu tư thận trọng.
Dù vậy, phố Wall cũng không giảm sâu trong phiên thứ Tư khi kỳ vọng Fed giảm lãi suất bù đắp lại những nỗi lo trên.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones giảm 43,68 điểm (-0,17%), xuống 26.004,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,88 điểm (-0,20%), xuống 2.879,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,85 điểm (-0,38%), xuóng 7.792,72 điểm.
Đà lao dốc của giá dầu thô cũng ảnh tiêu cực tới nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán châu Âu, kéo các thị trường của khu vực này điều chỉnh trong phiên thứ Tư sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,83 điểm (-0,42%), xuống 7.367,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,13 điểm (-0,33%), xuống 12.115,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 33,52 điểm (-0,62%), xuống 5.374,92 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đồng loạt các thị trường đều quay đầu giảm do lo sợ căng thẳng thương mại leo thang sau những phát biểu cứng rắn của ông Trump về vấn đề đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, hoạt động nhà máy của Trung Quốc vừa công bố đi xuống, cùng cuộc biểu tình lớn tại Hồng Kông cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường khu vực.
Cũng theo thông tin vừa công bố, CPI tháng 5 của Trung Quốc tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất 15 tháng. Trước đó, CPI tháng 4 cũng tăng mạnh 2,5%.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 74,56 điểm (-0,35%), xuống 21.129,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,34 điểm (-0,56%), xuống 2.909,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 480,88 điểm (-1,73%), xuống 27.308,46 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng lấy lại đà tăng khi rủi ro cuộc chiến thương mại leo thang tăng cao, nhưng đà tăng được hãm bớt cuối phiên do đồng USD tăng.
Kết thúc phiên 12/6, giá vàng giao ngay tăng 6,8 USD (+0,51%), lên 1.333,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 5,6 USD (+0,42%), lên 1.336,8 USD/ounce.
Lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang ảnh hưởng tới đà tăng trước kinh tế thế giới, qua đó làm giảm nhu cầu dầu thô khiến giá dầu lao dốc trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 12/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,34 USD (-4,39%), xuống 51,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,32 USD (-3,72%), xuống 59,97 USD/thùng.