Ảnh: Bloomberg.

Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thấp kéo dài, thời đại Vịnh Ba Tư có tất cả trong tay đã qua

(ĐTCK) Ả Rập Xê-út có thể phải từ bỏ hợp đồng vũ khí mới và hoãn các hợp đầu mua vũ khí đã thỏa thuận, vì quốc gia này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, và điều này có thể gây ra hậu quả về chính trị lâu dài cho Riyadh, tờ The Guardian đưa tin.

Ả Rập Xê-út đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách chưa từng có trước sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ và bất ổn kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo ước tính của Bộ Tài chính Ả Rập Xê-út, nước này có thể mất tới 50% nguồn thu từ dầu mỏ vốn chiếm 70% thu ngân sách của nước này, do giá dầu sụt giảm 2/3 kể từ đầu năm nay. Riyadh còn có kế hoạch vay gần 60 tỷ USD trong năm nay để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên. Thời đại Vịnh Ba Tư có tất cả tiền trong tay đã qua", Bruce Riedel, cựu nhân viên CIA, đồng thời nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings nhận định.

Trong khi đó, năm ngoái, Riyadh đã chi khoảng 62 tỷ USD để mua vũ khí, đứng thứ năm trên thế giới về độ mạnh tay trong chi tiêu quân sự. Mặc dù con số này thấp hơn so với năm 2018, nhưng vẫn chiếm khoảng 8% GDP của Ả Rập Xê-út.

Để so sánh thì con số này thật sự ấn tượng khi nhiều hơn cả Mỹ (3,4% GDP), Trung Quốc (1,9%), Nga (3,9%) hay Ấn Độ (2,4%), theo dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Bruce Riedel tin rằng, với tình hình khủng hoảng như hiện nay, chính phủ Ả Rập Xê-út gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài trì hoãn chi tiêu quân sự, và trong trường hợp bắt buộc có thể là cắt giảm vĩnh viễn.

Song, nếu việc ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí mới chậm trễ, quốc gia dưới sự cai trị của Thái tử Mohammed bin Salman có thể phải gánh chịu hậu quả chính trị lâu dài, trong khi đang tiến hành một cuộc chiến đẫm máu với nước láng giềng Yemen.

Trong nhiều thập kỷ, chi tiêu quân sự đã tăng cường ảnh hưởng chính trị của Riyadh trên thế giới, The Guardian lưu ý.

"Nếu Ả Rập Xê-út không phải là một trong những khách hàng chi nhiều tiền nhất để mua khí, thì có lẽ, việc nhận được sự hỗ trợ mà không kèm theo sự chỉ trích từ các cường quốc phương Tây hùng mạnh là điều không tưởng. Một trong những kết quả của việc mua vũ khí là bạn mua được thêm cả mối quan hệ", Andrew Feinstein, chuyên gia về tham nhũng và buôn bán vũ khí toàn cầu, cho biết.

Theo The Guardian, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quá khứ đã dùng các hợp đồng giao dịch mua bán vũ khí với Riyadh như một cái cớ cho chính quyền Washington có thể phản ứng nhẹ nhàng đối với vụ ám sát nhà báo The Washington Post Jamal Hashukji.

Ả Rập Xê-út cũng là một khách hàng thân thiết của Vương quốc Anh. Kể từ khi Riyadh phát động chiến dịch ném bom Yemen vào tháng 3/2015, London đã cung cấp cho Riyadh nhiều vũ khí hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ước tính trị giá lên tới hơn 4,7 tỷ bảng Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thậm chí còn phải đối mặt với những chỉ trích do không cấm buôn bán vũ khí với Riyadh, bất chấp những lo ngại rằng Anh có thể vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi giúp đỡ chiến dịch quân sự của Riyadh chống lại Yemen, The Guardian lưu ý.

Tuy nhiên, Thái tử Mohammed vẫn còn cơ hội đối mặt với một phương án khác nếu Joe Biden, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, giành chiến thắng vào tháng 11. Biden đã từng tuyên bố, ông sẽ hạn chế doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Ả Rập Xê-út.

"Thay vì tuyên bố cắt giảm chi tiêu quân sự, Ả Rập Xê-út có thể chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 và nếu Biden thắng, đồng thời hạn chế bán vũ khí như lời hứa, Riyadh sẽ có thể giả vờ chấp nhận nó một cách miễn cưỡng. Đó là cách để họ thoát khỏi những hậu quả chính trị", Kirsten Fontenrose, cựu quan cức cấp cao về các vấn đề vùng Vịnh tại Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump, nói.

Tin bài liên quan