Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cho biết, kế hoạch 13.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2017 là khả thi, khi Tổng công ty ước đã hoàn thành khi kết thúc quý III.
Kế hoạch kinh doanh năm nay tuy giảm so với năm trước, song xét trong bối cảnh giá dầu bấp bênh, đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
Đối với PVS, biến động giá dầu ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh, nên việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty vẫn phải dựa trên kịch bản về diễn biến giá dầu.
Theo đại diện PVS, giá dầu trong quý III/2017 tăng, song xu hướng biến động từ nay đến cuối năm chưa lường trước được. Tuy nhiên, khả năng giá dầu giảm mạnh là khó xảy ra. Chính vì vậy, Tổng công ty sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh và phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhằm đạt hiệu quả tốt hơn.
Vẫn theo đại diện PVS, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.467 tỷ đồng lên 5.896 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đang chờ Bộ Công thương phê duyệt (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nắm 51% vốn tại PVS) và nếu thuận lợi sẽ thực hiện trong năm 2017. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ phát hành hơn 31,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 7%.
Tại Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), từ đầu quý II, công suất hoạt động của các giàn khoan được cải thiện đáng kể, nhưng các đơn vị thành viên của PVD vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi giá dầu không ổn định. Giá dầu dù tăng trong quý III, nhưng vẫn đang ở mức thấp. Chính vì vậy, nguy cơ PVD tiếp tục lỗ trong quý III/2017 vẫn ở mức cao.
Sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của PVD đạt 1.450 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 273 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 lãi 116 tỷ đồng).
Với Công ty cổ phần Vận tải dầu khí - PVTrans (PVT), biến động giá dầu không tác động nhiều đến doanh nghiệp. Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, PVT ước đạt doanh thu hợp nhất xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch năm. Dự kiến, Công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng.
Theo PVT, doanh nghiệp vận tải biển nói chung gặp nhiều khó khăn do thương mại toàn cầu sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu vận tải hàng hóa, thiết bị. Tuy nhiên, do PVT ký được nhiều hợp đồng dịch vụ lớn, giúp Công ty đạt được hiệu quả kinh doanh khá tốt trong 3 quý đầu năm.
Một số hợp đồng quan trọng là hợp đồng cung cấp dịch vụ O&M tàu FPSO Sông Đốc Pride MV19, phục vụ khai thác mỏ Sông Đốc ngoài khơi Việt Nam; hợp đồng vận chuyển than cung ứng cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 của Liên danh nhà thầu Franky - Tata International JV; hợp đồng vận tải khí hoá lỏng LPG cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.
Ông Việt Anh chia sẻ, PVT đã vạch ra kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế các năm lần lượt là 328 tỷ đồng, 460 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.
Thậm chí, PVT đề ra mục tiêu phấn đấu doanh thu trong giai đoạn 2031 - 2035 đạt 67.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.201 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bình quân 7.662 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân 9%. Việc đề ra kế hoạch dài hạn giúp Công ty bám sát vào các chỉ tiêu đó để phấn đấu thực hiện.
Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 ghi nhận những điểm khá tích cực, với tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn đạt 19,01 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 11,7 triệu tấn, tương đương 77% kế hoạch năm, riêng khai thác dầu ở trong nước đạt 10,25 triệu tấn.
Sản lượng khai thác khí đạt 7,31 tỷ m3, tương đương 69% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng đạt 367.500 tỷ đồng, tương đương 84% kế hoạch năm.