Giá dầu nhảy múa khi OPEC+ bế tắc về thỏa thuận nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tiếp tục biến động mạnh khi các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem cuộc đụng độ bên trong liên minh OPEC+ sẽ ảnh hưởng như thế nào trên thị trường toàn cầu.
Giá dầu nhảy múa khi OPEC+ bế tắc về thỏa thuận nguồn cung

Đầu tuần này, giá dầu Brent đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 năm gần 77 USD/thùng do lo ngại rằng việc OPEC không đồng ý tăng sản lượng sẽ khiến thị trường dầu bị thắt chặt.

Tuy nhiên, giá dầu lại nhanh chóng điều chỉnh trở lại và giao dịch quanh mốc 74 USD/thùng vào ngày thứ Sáu (9/7) do lo ngại rằng tranh chấp giữa Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể chia cắt toàn bộ liên minh và xoá sạch các cam kết cắt giảm sản lượng của khối này.

Theo đó, trọng tâm chính của các nhà giao dịch trong những ngày tới sẽ là liệu OPEC+ có thể thống nhất quan điểm hay không.

Stephen Brennock, một nhà phân tích tại PVM Oil Associates cho biết: “Sự bế tắc của OPEC+ đã thổi bay kỳ vọng của những người kỳ vọng vào đà tăng của giá dầu trong tuần này”.

Trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ vào thứ Hai (5/7), Ả Rập Xê Út đã đề xuất rằng liên minh dần dần tăng 5,8 triệu thùng dầu công suất với mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến cuối năm sau. Nhưng UAE đã không đồng ý thỏa thuận như vậy và nói rằng họ sẽ chỉ hỗ trợ gia hạn thoả thuận nếu có những sửa đổi đối với hạn ngạch của nước này.

“Chênh lệch cung cầu ngày càng gia tăng khiến thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị thắt chặt quá mức và sẽ tạo cho ban lãnh đạo OPEC+ nhiều động lực để giải quyết tình trạng bất ổn của họ”, nhà phân tích Brennock cho biết.

Thỏa thuận OPEC+ hiện có tuyên bố rằng sản lượng vẫn ổn định trong tháng tới. Điều đó có thể khiến thị trường dầu thế giới thiếu cung, các nhà dự báo như Goldman Sachs cảnh báo mức thiếu hụt sẽ lên tới vài triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, nếu tranh chấp càng kéo dài và không được giải quyết, các nhà đầu tư đang tính đến một kết quả có thể xảy ra khác: UAE tiếp tục đe dọa từ bỏ OPEC, điều này có thể khiến toàn bộ liên minh tan rã và có thể dẫn đến một cuộc chiến cạnh tranh về giá như năm ngoái của Ả Rập Xê Út và Nga.

“Sự bế tắc của OPEC+ có thể dẫn tới kịch bản khó lường. Mặc dù viễn cảnh OPEC+ không đạt được thỏa thuận nghe có vẻ giống như một kịch bản giá dầu tăng giá, nhưng kịch bản giá dầu giảm giá sẽ xảy ra khi OPEC+ sụp đổ và quay trở lại trạng thái cung tự do”, các nhà phân tích tại công ty tình báo thị trường Kpler cho biết.

Bên cạnh đó, các cuộc đấu khẩu trong nhóm 23 quốc gia không phải là vấn đề duy nhất đè nặng lên giá dầu thô trong tuần này. Giá dầu đã bị áp lực bởi sự lây lan của biến thể delta và đồng USD mạnh hơn cũng đã làm giảm sức hấp dẫn của hàng hóa.

Tin bài liên quan