Thực tế, khi giá dầu lên trên 86 USD/thùng vào đầu tháng 10 - mức cao nhất trong 4 năm qua, không ít tổ chức tài chính lớn dự báo, giá dầu sẽ sớm leo lên trên 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, thay vào đó, thị trường dầu mỏ bước vào giai đoạn giá xuống kể từ ngày 8/11, giá dầu thô tương lai tại thị trường Mỹ đã giảm 20% kể từ mức đỉnh gần nhất và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính tới ngày 14/11, giá dầu tại Mỹ đã giảm 12 phiên liên tiếp - mức dài nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong khi đó, giá dầu thô Brent loại tiêu chuẩn giảm xuống còn 65 USD/thùng.
Đáng chú ý, giá dầu có phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 9/2015 trong phiên giao dịch ngày 13/11 khi giảm hơn 7%, xuống mức thấp nhất 1 năm qua, ngay sau khi Ả Rập Xê út cam kết giảm sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 11 và tiếp tục lộ trình giảm nguồn cung trong năm 2019. Chưa kể, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có phát biểu tương tự về việc giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
“Thông thường, việc Ả Rập Xê út và các thành viên OPEC lên tiếng về cắt giảm sản lượng sẽ hỗ trợ giá dầu. Nhưng hiện nay, các yếu tố khác, bao gồm việc sản lượng dầu của Mỹ gia tăng, đã tạo ảnh hưởng lớn hơn tới giá dầu”, Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell nhận định.
Diễn biến này khiến ngay cả quan chức OPEC cũng phải thừa nhận về việc đã quá lạc quan vào “vũ khí” dầu mỏ của mình.
“Chúng tôi đã từng đánh giá thấp dầu đá phiến của Mỹ. Hiện tại, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về dầu đá phiến và bối cảnh thị trường, nhưng một lần nữa, chúng tôi lại bị bất ngờ bởi sản phẩm này”, Ayed Al-Qahtani, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của OPEC trả lời CNBC.
Quả thực, diễn biến giá dầu từ đạt đỉnh cao nhất 4 năm trong tháng 10/2018 rơi xuống mức thấp nhất 1 năm chỉ vài tuần sau đó đã đưa giới đầu tư từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trong bối cảnh này, OPEC đang nhận sự chỉ trích vì tâm lý quá lạc quan của mình.
Trong Báo cáo triển vọng dầu mỏ toàn cầu 2018 của OPEC, tổ chức này dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới sẽ tăng 33% từ mức sử dụng năm 2015 lên 365 triệu thùng/ngày năm 2040, với nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển chiếm 95% đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, OPEC đánh giá, dầu mỏ và các loại năng lượng từ dầu sẽ vẫn giữ thị phần lớn nhất trên thị trường năng lượng toàn cầu cho tới năm 2040, chiếm khoảng 28%, cao hơn so với khí tự nhiên và than đá.
Về tầm nhìn trung hạn, cho tới năm 2023, tổ chức này cho rằng, nhu cầu sử dụng dầu mỏ sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày mỗi năm.
Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm tới sẽ thấp hơn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2018 và thấp hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện tại của OPEC.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới công bố đầu tuần này, OPEC đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2018 xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày, giảm 40.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong năm 2019, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ dự báo là 1,29 triệu thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Đáng chú ý, đây là lần thứ tư liên tiếp trong 4 tháng qua, OPEC hạ các mức dự báo tăng trưởng dầu mỏ.
Như vậy, từ việc lo ngại thiếu hụt nguồn cung, câu chuyện đã chuyển sang mối lo ngại dư thừa dầu mỏ trên thị trường trong năm tới và chính Ả Rập Xê út cũng như OPEC thừa nhận điều này bằng cách cam kết sẽ giảm sản lượng kể từ tháng 11. Chưa kể, OPEC sẽ giảm sản lượng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019 để hỗ trợ giá dầu.
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, dư thừa nguồn cung vẫn sẽ diễn ra trong năm 2019. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm tới sẽ thấp hơn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2018 và thấp hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện tại của OPEC.