Mức tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2020 ước đạt 91,2 triệu thùng/ngày, ít hơn 8,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Ảnh: Shutterstock.

Mức tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2020 ước đạt 91,2 triệu thùng/ngày, ít hơn 8,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Ảnh: Shutterstock.

Giá dầu kỳ vọng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến khả quan trên thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian gần đây cũng như triển vọng trong thời gian tới mang lại kỳ vọng về khả năng bứt phá của giá dầu.

3 động lực giúp giá dầu tăng

Giá dầu trong vài tuần gần đây có xu hướng tăng rõ rệt, nhờ nhu cầu lớn tới từ châu Á. Giá dầu Brent đã chạm mức 54 USD/thùng ngay sau kỳ nghỉ Tết 2021.

Trước đó, trong những tháng đầu năm 2020, giá dầu lao dốc vì nhu cầu sụt giảm, nhất là ngành hàng không, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Giá dầu giảm còn do “cuộc chiến giá dầu” nhằm giành giật thị phần dầu mỏ giữa các nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất trên thế giới là OPEC, Nga (đại diện cho nguồn cung dầu mỏ khai thác theo công nghệ truyền thống) và Mỹ (đại diện cho nguồn cung mới từ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến).

Theo đó, giá dầu bình quân trong quý II/2020 là 33,39 USD/thùng, trong khi đầu năm từng chạm ngưỡng 70 USD/thùng (trung bình trong tháng 1 là 64 USD/thùng).

Sự hồi phục của giá và nhu cầu dầu mỏ sau đó có sự đóng góp lớn từ nhu cầu tại Trung Quốc khi các lệnh cách ly nhằm phòng chống Covid-19 được dỡ bỏ.

Dựa trên cơ sở kỹ thuật thuần túy, giá dầu thô đang ghi nhận mức cao hơn trên bảng xếp hạng tuần kể từ tháng 4/2020. Có 3 yếu tố chính được nhìn nhận giúp thị trường dầu khí tiếp tục mang màu sắc lạc quan.

Thứ nhất là sự ra đời của vắc-xin Covid-19. Vắc-xin đang được tiêm chủng rộng rãi trên toàn nước Mỹ và với tiến độ như hiện nay, phần lớn người dân nước này sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 2/2021. EU cũng đã bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 27/12/2020.

Thành công của vắc-xin đã mang tới niềm lạc quan cho thị trường dầu mỏ, ngay cả Tập đoàn dầu mỏ BP Plc vốn bảo thủ cũng phải phản bác lại báo cáo trước đó của họ rằng “chúng ta đã đi qua đỉnh giá dầu và nhu cầu dầu khí sẽ không đạt đỉnh cho tới năm 2030”.

Thứ hai là các gói khích thích kinh tế tiếp tục được ban hành. Sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, chính phủ các nước đã đưa ra những khoản tiền rất lớn để kích cầu (với tổng giá trị trên 15.000 tỷ USD), trong nỗ lực ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Trong đó, Mỹ đưa ra một loạt biện pháp đi kèm với khoản tiền 2.300 tỷ USD nhằm trợ giúp thị trường chứng khoán, chính quyền các tiểu bang và địa phương, người lao động và các hộ gia đình. Mới đây, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận về một khoản cứu trợ tăng cường trị giá 900 tỷ USD.

Một số lượng đáng kể bộ phận của kinh tế Mỹ và không ít nền kinh tế khác trên thế giới đã quay trở lại mức năng động như trước khi đại dịch xảy ra. Thị trường chứng khoán thế giới đang hồi phục nhanh hơn so với dự báo ban đầu, thậm chí có thị trường lập đỉnh mọi thời đại.

Lý do chính cho sự hồi phục nhanh chóng của kinh tế và chứng khoán là các gói kích cầu chưa từng có được ban hành. Tất nhiên, kinh tế hồi phục kéo theo nhu cầu về năng lượng là dầu mỏ hồi phục.

Thứ ba là thỏa thuận OPEC+. Mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã thảo luận kế hoạch sản xuất dầu mỏ trong thời gian tới, bởi thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng hết hiệu lực vào cuối năm 2020.

Theo đó, Nga và Ca-dắc-xtan sẽ tăng tổng cộng 75.000 thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021. Ả-rập Xê-út tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian trên. Phần lớn các quốc gia còn lại trong liên minh sẽ giữ sản lượng ổn định.

Trước đó, trong cuộc họp tháng 11/2020, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng sau khi chứng kiến những động thái thận trọng của OPEC+. Với bài học từ cuộc chiến giá dầu nhằm giành giật thị phần trong tháng 4/2020 khiến giá dầu lao dốc, lần này, OPEC+ khó có khả năng quay trở lại cuộc chiến.

Kỳ vọng 2021

Có những ý kiến tỏ ra thận trọng về nhu cầu dầu trong năm 2021. Các hạn chế đối với hoạt động kinh tế - xã hội vì dịch bệnh vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, nhất là khi có sự xuất hiện của biến thể Covid-19. Tác động không dự đoán được của dịch bệnh đối với lĩnh vực giao thông, sự thay đổi của thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển sẽ hạn chế sự phục hồi của thị trường nhiên liệu.

Nhìn lại quý IV/2020, nhu cầu xăng dầu vẫn khiêm tốn, ước tính giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, sau khi số liệu của một số quốc gia được xem xét lại. Tình hình đáng chú ý nhất tại châu Âu, khi mà nhu cầu trong quý IV giảm so với quý III do lệnh cách ly mới được thông qua.

Nhìn tổng thể toàn cầu, sự suy thoái của ngành hàng không là nguyên nhân chính dẫn tới nhu cầu giảm. Tính chung cả năm 2020, nhu cầu dầu mỏ ước đạt 91,2 triệu thùng/ngày, giảm hơn 8,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

Cũng phải nói thêm, nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020 có thời điểm chỉ còn 16,4 triệu thùng/ngày. Sự hồi phục từ nửa sau của năm 2020 chủ yếu là do Trung Quốc đã nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh cách ly và nhu cầu về dầu tăng lên, trong khi nhu cầu tại các nước OECD vẫn ảm đạm.

Mặc dù vậy, giá dầu trong năm 2020 ước tính chỉ thấp hơn 21,5% so với mức trung bình năm 2019, trong khi vẫn đang phục hồi sau tác động của các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách xã hội trên toàn cầu.

Không ít ý kiến khác kỳ vọng, năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ được giải quyết và thế giới quay lại cuộc sống ổn định trước đây. Sự hồi phục về nhu cầu và chính sách kiềm chế sản lượng của OPEC+ sẽ giúp giá dầu tiếp tục đi lên.

Nhu cầu dầu thế giới được dự báo sẽ tăng theo sự phục hồi kinh tế và được “dẫn dắt” bởi các nước đang phát triển.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng, thị trường dầu mỏ mới chỉ bắt đầu phục hồi sau một năm cắt giảm đầu tư sâu và mất việc làm do nhu cầu dầu thô tồi tệ nhất được ghi nhận.

Ông Barkindo dự báo, nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, cả năm tăng khoảng 4,4%. Dự kiến, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên mức 95,9 triệu thùng/ngày, được “dẫn dắt” bởi các nước đang phát triển.

Virendra Chauhan, nhà phân tích của Energy Aspects nhìn nhận, xu hướng biến động hiện tại, với đồng USD yếu hơn và các nhà đầu tư kỳ vọng sự phục hồi trong lĩnh vực dầu mỏ đã hỗ trợ giá dầu. Bên cạnh đó là động thái tích cực của OPEC+ khi đang tìm cách hạn chế nguồn cung do dịch Covid-19 vẫn đang phát tác ở phương Tây.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021, mức tiêu thụ dầu mỏ được dự đoán trong khoảng 87 - 99 triệu thùng/ngày.

Tin bài liên quan